Tàu tên lửa 12418 Molniya của Hải quân Nga lùi thời hạn bàn giao

02/07/2019 19:50 GMT+7

Thay vì cuối năm 2018 và 2019, nay phải đến năm 2021 - 2022 Hải quân Nga mới nhận được 2 chiếc tàu tên lửa lớp 12418 Molniya đã khởi công cách đây gần... 30 năm.

Kiểu dáng hiện đại, tàng hình

Theo trang tin korabel.ru ngày 28.6 dẫn nguồn từ TASS cho biết tại triển lãm quốc phòng Army 2019 ở Moscow, đại diện hãng đóng tàu Vympel cho hay sẽ bàn giao hai tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc dự án 12418 Molniya (Tia chớp) cho Hải quân Nga từ năm 2021-2022.

“Hiện tại tiến độ đóng tàu đang hoàn tất 40 - 45%. Chiếc đầu tiên sẽ bàn giao vào năm 2021 và chiếc thứ hai là 2022”, đại diện hãng đóng tàu Vympel nói.

Đồ họa tàu 12418 Molniya với cấu hình vũ khí gồm 8 tên lửa Uran-U bố trí giữa thân (tương tự chiến hạm Gepard 3.9)

Vympel

Tàu tên lửa 12418 Molniya mà Vympel đóng cho Hải quân Nga có lượng choán nước 540 tấn, trang bị 8 tên lửa diệt hạm loại 3M-24 Uran-U (tầm bắn 260 km) được bố trí giữa thân tàu (tương tự cách bố trí tên lửa của chiến hạm Gepard 3.9).

Tàu còn được cho là có trang bị hệ thống pháo - tên lửa Pantsir-M (phiên bản hải quân) để nâng cao khả năng phòng không, chống được máy bay so với tàu lớp 12418 trước đó chỉ có pháo bắn nhanh loại AK-630 (bắn đạn pháo 30 mm) và tên lửa Igla loại vác vai.

Phần cấu trúc phần thượng tầng của tàu 12418 của Hải quân Nga có cấu trúc đặc biệt, khả năng tàng hình cao

Vympel

Điểm đặc biệt của tàu tên lửa 12418 của Hải quân Nga là có cấu trúc phần thượng tầng đặc biệt, có khả năng tàng hình cao so với cấu trúc của các tàu 12418 khác (lấy cấu trúc thượng tầng của tàu lớp 1241 từ những năm 1980).

Thân tàu đóng từ 30 năm trước

Tàu tên lửa 12418 Molniya được phát triển từ những năm 1990, từ lớp tàu 1241 (ra đời từ những năm 1980). Tàu loại này được Viện thiết kế Almaz ở St.Petersburg thiết kế nhằm phục vụ xuất khẩu. Đầu những năm 1990, 2 tàu lớp 12418 được hãng Vympel đóng cho 1 khách hàng nước ngoài, nhưng sau đó hợp đồng bị hủy bỏ, thân tàu được bảo quản tại Nhà máy.

Đến năm 2016, Hải quân Nga quyết định mua 2 tàu nói trên và đưa ra các yêu cầu cải tiến.

Thân tàu tên lửa 12418 Molniya tại nhà máy Vympel, kiểu dáng phần thượng tầng tương tự lớp tàu 1241 có từ những năm 1980

Vympel

Thân tàu tên lửa 12418 Molniya tại nhà máy Vympel hiện tại có thay đổi phần thượng tầng theo hướng đa góc cạnh

Vympel

Theo đó, tàu được cải tiến phần thượng tầng (khoang chỉ huy, liên lạc...) với kiểu dáng góc cạnh để tăng khả năng tàng hình, vũ khí gồm 8 ống phóng dùng tên lửa Kh-35U (Uran-U) có tầm bắn 260 km, bố trí giữa thân tàu thay vì 2 bên thân như tàu 12418 nguyên thủy; pháo phòng không cận chiến AK-630 (loại 30 mm) được thay bằng hệ thống pháo - tên lửa Pantsir-M tăng khả năng chống máy bay và tên lửa; trang bị nhiều loại radar cũng như thiết bị liên lạc, định vị hiện đại nhất.

Hãng Vympel cam kết sau khi nâng cấp, chiếc đầu tiên với số hiệu sản xuất 01301 sẽ được bàn giao vào 25.11.2018 và sẽ phục vụ tại Hạm đội Biển Đen. Chiếc thứ hai với số hiệu sản xuất 01302 sẽ bàn giao vào tháng 1.2019 cho Hải đội Caspi.

Vympel cho biết tàu 12418 của Hải quân Nga đã hoàn thiện 40 - 45%

Vympel

Tuy nhiên như phát biểu của đại diện Vympel tại triển lãm Army 2019, thời hạn bàn giao 2 tàu này phải lùi lại lần lượt vào năm 2021 và 2022. Rất có thể việc chậm trễ này có liên quan phần động cơ turbin khí vốn trước đây do Ukraine cung cấp cho các tàu tên lửa này, nay phía Nga phải tìm nguồn thay thế trong tình hình bị Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào các công ty quốc phòng Nga sau việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.

Như vậy, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh 12418 Molniya này sẽ mất gần 30 năm từ khi khởi công mới có thể chính thức hoạt động trong Hải quân Nga!

Việt Nam sở hữu tàu tên lửa 12418 nhiều nhất

Tàu 375 tại Cam Ranh, đây là tàu tên lửa lớp 12418 Molniya do Việt Nam đóng theo công nghệ chuyển giao từ Nga

HẢI QUÂN ẤN ĐỘ

Tàu tên lửa 12418 Molniya được Nga sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu, trong đó Việt Nam là nước mua đến 8 chiếc. Tàu 12418 Molniya dài 56 m, ngang rộng nhất 10 m, lượng choán nước 540 tấn. Tàu trang bị động cơ tuabin khí với công suất tối đa 32.000 mã lực, cho phép đạt vận tốc tối đa 38 hải lý/giờ. Tầm hoạt động trên biển là 1.700 hải lý, hoạt động liên tục tối đa 10 ngày, thủy thủ đoàn 50 người.

Nếu tàu tên lửa lớp 1241 trang bị 4 tên lửa Moskit thì tàu 12418 trang bị 16 ống phóng dùng tên lửa Uran-E nhỏ gọn hơn, tầm bắn đến 130 km. Tàu có 1 pháo AK-176 (cỡ nòng 76 mm), 2 pháo cận chiến phòng không tự động AK-630 (loại 30 mm), cùng tên lửa phòng không loại vác vai Igla (12 quả).

Hải quân Nga đóng 1 chiếc để thử nghiệm, đến năm 2003 Việt Nam ký hợp đồng đặt mua loại tàu này với 2 chiếc do Nga đóng, 6 chiếc do Việt Nam đóng trên cơ sở chuyển giao công nghệ từ Vympel và giám sát của Viện thiết kế Almaz. Hai chiếc 12418 đầu được Nga bàn giao từ 2005 - 2007; Nhà máy Ba Son đóng 6 chiếc còn lại từ 2010 và hoàn tất vào năm 2016.

Ngoài Việt Nam, Ai Cập và Ấn Độ cũng có đặt mua lớp tàu này nhưng số lượng rất ít.

[VIDEO] Hải quân Nga nhận thêm tàu hộ tống Ingushetia lớp Buyan-M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.