"Đại tu" phương pháp xếp hạng
Sau động thái bị các trường luật, trường y của những ĐH danh tiếng Mỹ như Stanford, Yale, Harvard... tuyên bố tẩy chay và không cung cấp dữ liệu vì phương pháp khảo sát lỗi thời, bảng xếp hạng U.S. News & World Report Rankings (viết tắt US News) vừa công bố thứ hạng hằng năm của hai nhóm trường này hôm 11.5, muộn hơn 3 tuần so với dự kiến vì sự cố dữ liệu, theo Reuters.
Đáng chú ý, bảng xếp hạng năm 2024 chỉ ra một số trường danh giá Mỹ bị "rớt đài" sau nhiều năm giữ ổn định thứ hạng. Chẳng hạn, Columbia Law School (Trường Luật Columbia) tụt 4 hạng, hay UC Berkeley School of Law (Trường Luật UC Berkeley) giảm 1 hạng so với năm 2023. Cá biệt, Harvard Law School (Trường Luật Harvard) rớt xuống vị trí thứ 5, thứ hạng thấp nhất của đơn vị này kể từ năm 1990.
Bảng xếp hạng mới của US News cũng xóa sổ khái niệm T-14 (top 14), vốn được dùng để miêu tả 14 trường luật luôn duy trì thứ hạng đầu hơn 30 năm qua. Theo đó, Georgetown University Law Center (Trường Luật Georgetown) tụt 1 hạng so với năm 2023, nhường vị trí thứ 14 cho UC Los Angeles School of Law (Trường Luật UCLA).
Bên cạnh đó, 62 trường luật khác ngoài tốp 14 cũng có thứ hạng tăng hoặc giảm 2 bậc, mức biến động đáng kể so với số trường thay đổi xếp hạng của năm trước chỉ là 27.
Lý giải nguyên nhân diễn ra sự biến động chưa từng có, ông Eric Gertler, Giám đốc điều hành của US News, hôm 10.5 cho biết bảng xếp hạng các trường luật năm 2024 tập trung vào các chỉ số đo lường đầu ra. Cụ thể, phương pháp xếp hạng mới được "đại tu" của US News đã tăng trọng số có việc làm và tỷ lệ vượt qua kỳ thi luật (bar-exam), đồng thời giảm trọng số điểm bài thi đầu vào trường luật (Law School Admission Test) và điểm tích lũy trung bình.
Song song đó, bảng xếp hạng mới của các trường y về lĩnh vực nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp đánh giá mới, bao gồm các yếu tố như nguồn lực của giảng viên, thành tích học thuật của sinh viên nhập học và năng suất nghiên cứu, theo New York Times.
Phương pháp này cũng khiến nhiều trường rớt hạng khi ở 3 thứ hạng đầu, trừ Harvard Medical School (Trường Y Harvard) vẫn giữ ngôi vị đầu bảng, hạng 2 và hạng 3 đều đã "đổi chủ". Trong đó, trường y của ĐH Columbia từ hạng 3 tụt xuống hạng 4, còn trường y của ĐH New York từ hạng 2 xuống tận vị trí thứ 10.
Cũng theo US News, với những trường luật và trường y từ chối cung cấp dữ liệu để xếp hạng, đơn vị này sẽ sử dụng những thông tin có sẵn được công khai để điền vào chỗ trống. Ghi nhận thực tế trên trang web của US News, chúng tôi cũng thấy những trường luật quyết định tẩy chay bảng xếp hạng này được chú thích số 1 cỡ nhỏ cạnh tên trường, trong đó US News ghi chú rằng đây là trường đã từ chối điền vào bản khảo sát thống kê.
Đối với bảng xếp hạng các trường y, ngoài thông báo cho biết đây là trường từ chối cung cấp dữ liệu, US News còn thông tin thêm rằng sẽ dùng dữ liệu năm trước để tính xếp hạng của trường trong năm nay.
Trước đó, US News hôm 11.4 từng ra mắt bản xem trước thứ hạng các trường luật và trường y hàng đầu. Tuy nhiên, trước vô vàn thắc mắc và phản ứng gay gắt từ các trường ĐH, đơn vị này đã quyết định tạm hoãn vô thời hạn thời điểm công bố bảng xếp hạng chính thức, đồng thời xóa bản xem trước chỉ vài ngày sau đó.
Chỉ mang giá trị tham khảo
Trước nhiều lùm xùm liên quan đến thứ hạng các trường ĐH Mỹ, bà Đào Nhật Mai, Tổng giám đốc Công ty tư vấn du học NEEC (TP.HCM), cho rằng những bảng xếp hạng ĐH toàn cầu như US News chỉ nên tham khảo, "chứ không buộc phải tuân theo" trong quá trình phụ huynh và học sinh chọn trường.
"Nhìn chung, thứ hạng chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định chứ không phản ánh chất lượng lâu dài của đơn vị đào tạo. Chưa kể trong giới học thuật còn tồn tại những chiêu trò nhằm tăng thứ hạng", bà Mai nêu quan điểm.
Cũng theo nữ giám đốc, các cơ sở giáo dục có thực lực và chất lượng tốt sẽ tự động được biết đến. Vì thế, để chọn trường phù hợp, bà Mai khuyên người học cân nhắc thêm nhiều nguồn tham khảo khác từ quốc gia đó lẫn quốc tế, đồng thời xem xét cả đánh giá về ngành học của trường dự định lựa chọn.
"Xu hướng của hầu hết du học sinh hiện nay là chọn trường theo thứ hạng của ngành thay vì chỉ quan tâm đến thứ hạng tổng quát của trường như trước kia. Vì thực tế có những ĐH tuy thứ hạng tổng quát thấp hơn nhưng một số ngành trong trường lại có thứ hạng cao hơn", bà Mai gợi ý.
Tương tự, Nguyễn Minh Hạnh Đoan (ngụ Q.7, TP.HCM), chuẩn bị du học trong thời gian tới, cũng nhìn nhận xếp hạng các trường tuy giúp việc chọn lọc trở nên dễ dàng hơn, nhưng chỉ mang giá trị tham khảo và là yếu tố cuối cùng cô quan tâm. Hiện đã trúng tuyển thạc sĩ vào một số ĐH ở châu Âu và đang chờ mức học bổng lý tưởng, Đoan kể rằng cô chọn trường dựa trên 4 tiêu chí chính là địa điểm, chương trình đào tạo, chi phí và môi trường học thuật.
"Tổng hòa những thông tin trên giúp người học chọn được trường phù hợp với nguyện vọng và tài chính cá nhân. Đây là điều mà những bảng xếp hạng ĐH như US News hay Times Higher Education không thể đưa ra phán đoán chính xác, vì trường dù có thứ hạng cao mà không phù hợp cũng phải bỏ qua. Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp nhiều ĐH cùng lúc đáp ứng nhu cầu thì yếu tố thứ hạng cũng giúp người học dễ ra quyết định hơn", Đoan phân tích.
Việt Nam có 5 trường được xếp hạng
Đó là ĐH Tôn Đức Thắng (hạng 223), ĐH Duy Tân (hạng 317), ĐH Quốc gia Hà Nội (hạng 970), ĐH Quốc gia TP.HCM (hạng 1.116), ĐH Bách khoa Hà Nội (hạng 1.570), theo kết quả bảng xếp hạng ĐH tốt nhất toàn cầu công bố tháng 11.2022 bởi US News.
Riêng châu Á có 943 trường được tham gia xếp hạng. Đứng đầu khu vực lần lượt là những cơ sở của Trung Quốc và Singapore như ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc, hạng 1), ĐH Quốc gia Singapore (hạng 2), ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore, hạng 3), ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc, hạng 4),...
Bình luận (0)