Lý do phần lớn là lương và các chế độ liên quan của ngành quá thấp, công việc lại vất vả, đối mặt nhiều hiểm nguy. Chỉ hơn 3 năm qua, hơn 50 cán bộ, nhân viên làm công tác này đã từ bỏ nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, lực lượng bổ sung còn rất thiếu khiến nguồn nhân lực này đã “khát” lại càng “khát”.
Một vụ phá rừng tại H.Mang Yang, Gia Lai |
TRẦN HIẾU |
Lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng khiến diện tích rừng bị xâm hại ngày càng trầm trọng. Theo đó, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây nguyên khoảng 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng của VN với tỷ lệ che phủ đạt gần 46%. Song mỗi năm, diện tích rừng của khu vực này cứ giảm dần từ vài ngàn đến vài chục ngàn héc ta. Đây là con số đáng báo động.
Nhiều vùng rừng, nhân lực quá thiếu khiến công việc của lực lượng giữ rừng khó có thể tròn vai. Chẳng hạn, tại xã biên giới Ia Mơr, H.Chư Prông (Gia Lai), 20 bảo vệ rừng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ 14.000 ha rừng nghèo. Nhiều vụ phá rừng làm nương rẫy ở khu vực này khi được phát hiện thì đã muộn khi cây rừng đã ngã xuống.
Những cơ sở đào tạo lớn về lâm nghiệp tại Tây nguyên như Trường ĐH Tây nguyên, Trường Trung cấp lâm nghiệp Gia Lai (nay là Phân hiệu của Trường ĐH Lâm nghiệp) đều thiếu sinh viên theo học về lâm nghiệp. Bộ môn “Quản lý tài nguyên rừng và môi trường” của Trường ĐH Tây nguyên đã phải đóng cửa vì không có sinh viên đăng ký theo học.
Một nhân viên bảo vệ rừng ở Gia Lai chia sẻ với chúng tôi, lương và các khoản nhân viên này chỉ nhận trên dưới 6 triệu đồng/tháng. Tiền ăn, tiền xăng xe, điện thoại… đã ngốn gần hết, chỉ còn có thể đưa về cho vợ từ 1 - 2 triệu đồng/tháng để phụ thêm.
Mất rừng không còn là nguy cơ xa xôi. Cần có giải pháp, chế độ kịp thời để thu hút nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ rừng, để cứu rừng và cũng là giữ gìn lá phổi xanh Tây nguyên.
Bình luận (0)