Sau đó, từ ngày 15.3 sẽ có không khí lạnh cường độ yếu di chuyển xuống rồi ra phía đông, thời tiết chuyển có mưa giông 1 - 2 ngày rồi giảm và ẩm cao nên sương mù xuất hiện nhiều hơn, trời chuyển lạnh với nhiệt độ giảm vài ba độ so với đầu tuần.
Miền Trung thời tiết khá ổn định, ít mưa và nắng trung bình, chỉ hơi nóng vào giữa ngày do quang mây. Gần cuối tuần trời trở gió và mưa rào nhẹ vài nơi, phía bắc đèo Hải Vân trời lạnh 17 - 19oC. Tây nguyên có độ ẩm ban ngày rất thấp, nhiều nơi chỉ 40 - 50% nên khả năng khô hạn tăng nhanh và nguy cơ cháy rất cao, trong 7 ngày tới không mưa nắng nhiều.
Trong 4 - 5 ngày tới thời tiết Nam bộ có nắng nhiều hơn, giữa ngày trời nắng gắt 4 - 5 tiếng, ở miền Đông có lúc nắng nóng 34 - 36oC, miền Tây 32 - 34oC. Sau đó, Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi nhiễu động trong đới gió lệch đông từ biển vào nên mưa trái mùa có thể xảy ra từ 16 - 17.3, vùng ven biển Cà Mau, Kiên Giang, vùng tứ giác Long Xuyên có mưa nhiều hơn, có lúc mưa khá lớn, đề phòng gió giật trong cơn giông.
TP.HCM và các nơi khác mưa diện hẹp. Đêm và sáng trời hơi se se lạnh và sương mù nhẹ, nhiệt độ thấp nhất 21 - 25oC, độ ẩm 70 - 80%, ban ngày chỉ còn 50 - 55% và có nơi thấp hơn. Ngư dân ra khơi chú ý giữa đến cuối tuần sau có thể mưa giông trên biển, đề phòng gió giật và lốc xoáy.
Đợt triều cường giữa tháng 2 âm lịch, đỉnh triều vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ xuất hiện vào ngày 13 - 14.3 vượt mức báo động 2, xấp xỉ báo động 3. Thời gian nước dâng cao có thể gây ngập vào sáng sớm từ 4 - 6 giờ, chiều từ 18 - 20 giờ (cao điểm). Điều đáng lưu ý là do tác động của gió chướng và triều cao nên độ mặn ở các vùng hạ lưu sông sẽ tăng, bắt đầu ảnh hưởng ở mức độ nhẹ đối với lúa và các vườn cây trái. Tại Bến Tre, độ mặn xâm nhập sâu nhất xuất hiện trong các ngày 13 - 14.3, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 2016. Độ mặn 4%o có khả năng xâm nhập cách cửa sông Cửa Đại, Cổ Chiên hơn 30 km, sông Hàm Luông hơn 40 km.
Thời tiết thất thường ở miền Trung nên cần chú ý bệnh chết nhanh và bệnh thán thư trên hồ tiêu có xu hướng tăng, cần chú ý vấn đề tiêu thoát nước tốt, vệ sinh vườn để phòng trừ dịch bệnh.
Các vườn cây có múi cam quýt bưởi ở ĐBSCL cần theo dõi chặt chẽ bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ do nấm với các giải pháp như xử lý đất cục 2 - 4 cm, phơi khô ải trong thời tiết nắng cho khô diệt mầm bệnh, trước khi trồng tưới nước vôi. Làm xốp đất, chống bạc màu, tạo độ ẩm thích hợp, bổ sung đầy đủ các loại phân trung, vi lượng, hữu cơ. Triều cường nên cần cho nước không ngập cao gây úng rễ.
Trong khi đó, miền Đông Nam bộ chú ý theo dõi sâu bệnh trên cây điều như bọ xít muỗi và bệnh thán thư có nguy cơ bùng phát và gây hại trong mùa khô năm nay.
Bình luận (0)