|
Các hạn chế của Tây nguyên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh là hạ tầng yếu kém, nhân lực trong vùng thiếu, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khi đầu tư vào Tây nguyên. Theo ông Vinh, để thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực này phát triển mạnh hơn nữa, cần phát triển mạng lưới giao thông, chuyển đổi toàn diện cơ cấu nông nghiệp để đến năm 2020 vùng này cơ bản có nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, có sức cạnh tranh cao, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của vùng. “Chúng tôi đã xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nguồn vốn, các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng Tây nguyên như: bố trí 100% nguồn vốn đối ứng các dự án ODA do địa phương quản lý đối với các dự án đáp ứng điều kiện hỗ trợ; đầu tư nâng cấp các sân bay Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, hệ thống giao thông; các tuyến đường sắt Đắk Nông - Bình Thuận và Tháp Chàm - Đà Lạt đã được đưa vào quy hoạch để nghiên cứu đầu tư, nâng cấp. Hỗ trợ triển khai các chương trình vận động xúc tiến đầu tư cho vùng; thu hút FDI vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, phát triển và huy động nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các DN vừa và nhỏ; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư...”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
|
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào Tây nguyên, ưu tiên hạ tầng giao thông; mở rộng, nâng cấp các sân bay… để kinh tế - xã hội khu vực phát triển bền vững. Các địa phương ở Tây nguyên cần tăng cường phối hợp, gắn kết các lợi thế; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ sẽ nghiên cứu để có những ưu đãi đặc thù giúp Tây nguyên phát triển nhanh, bền vững. Tây nguyên cũng cần tạo nên lợi thế cạnh tranh trong các mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, cao su… Vấn đề này, Chính phủ cũng sẽ có cơ chế ưu đãi đặc thù. “Tôi cũng yêu cầu các bộ ngành chức năng phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ cho DN, giúp DN tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi suất để phát triển kinh tế - xã hội Tây nguyên cũng như cả nước. Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ NN-PTNT đề xuất các ưu đãi đặc biệt trong một số lĩnh vực đối với khu vực này. Ngoài ra, các tỉnh cũng như các bộ ngành liên quan cần tập trung nhiều giải pháp để thu hút đầu tư ở các cửa khẩu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn giúp kinh tế - xã hội Tây nguyên phát triển nhanh, bền vững, ổn định chính trị”, Thủ tướng nói.
Cần nhân rộng mô hình BV Đại học Y Dược - HAGL Sáng 12.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ban ngành ở trung ương và địa phương đến thăm Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại TP.Pleiku (Gia Lai). Thủ tướng ghi nhận và biểu dương mô hình liên kết giữa Đại học Y Dược TP.HCM và Tập đoàn HAGL thành lập BV này. Thủ tướng khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của nhân dân Tây nguyên và nhân dân vùng biên giới hai nước bạn Lào, Campuchia là rất lớn, bởi vậy cần nhân rộng mô hình hoạt động của BV này”. Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết BV hoạt động phi lợi nhuận. Tập đoàn dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế của BV để tái đầu tư mở rộng, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, cứu được những bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu phải chuyển viện vào TP.HCM cách xa hơn 500 km. Sau hơn 1 năm hoạt động, BV đã khám chữa bệnh cho 180.000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật hơn 1.000 ca trong đó có nhiều ca phẫu thuật kỹ thuật cao. Giúp đồng bào các tỉnh Tây nguyên tiết kiệm trung bình mỗi năm không dưới 200 tỉ đồng tiền chi phí đi lại, ăn ở để vào TP.HCM chữa bệnh. Từ nay đến 2015, HAGL sẽ phối hợp với Đại học Y Dược TP.HCM tiếp tục được nâng cấp, mở rộng BV từ quy mô 200 giường lên 500 giường. Khởi công dự án Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ y dược tại Tây nguyên trị giá 200 tỉ đồng. Trần Vỹ |
Trần Hiếu
Bình luận (0)