Tây Ninh đột phá ngành công nghiệp dịch vụ thu hút đầu tư từ tỉnh thuần nông

27/04/2020 15:40 GMT+7

Trong những năm gần đây, từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã vực dậy mạnh mẽ, đột phá mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ, thu hút mạnh đầu tư trong ngoài nước.

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, về vấn đề này.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Ảnh: Giang Phương

Xin ông cho biết một số điểm nhấn trong thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh trong nhiệm kỳ qua?
Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt nghị quyết đề ra. Trong đó, kinh tế phát triển nhanh, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 8,04%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.266USD, cao hơn 1,57 lần so với năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ chiếm 75,5% trong GRDP. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển toàn diện gắn kết chặt chẽ và đạt kết quả quan trọng. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, gắn sản xuất, chế biến với phát triển vùng nguyên liệu.
Thương mại, dịch vụ có nhiều khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10%/năm, gấp 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi…) hình thành mạng lưới rộng khắp 100% huyện, thị xã, thành phố.
Thu ngân sách vượt chỉ tiêu, tốc độ thu ngân sách hằng năm tăng bình quân 9,9%/năm, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Doanh nghiệp (DN) được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển; DN thành lập mới tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã được quan tâm củng cố và ngày càng hiệu quả.
Thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Đến năm 2020, thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 8 tỉ USD.
Hạ tầng giao thông, đô thị tạo sự lan tỏa, kết nối với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn dưới 1%; không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn T.Ư và là 1 trong 5 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được đẩy mạnh.
Thưa ông, nhờ vào những lợi thế nào mà Tây Ninh, từ tỉnh thuần nông nhưng những năm gần đây lại vực dậy tăng trưởng mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ?
Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế. Là tỉnh có đường biên giới dài 240km, giáp 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia với 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam), 3 cửa khẩu chính, 11 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở. Mặt khác, đường Xuyên Á là cửa ngõ quan trọng nối liền TP.HCM với thủ đô Phnom Penh, Campuchia và các nước ASEAN.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Ninh được hưởng lợi từ yếu tố kết nối lan tỏa kinh tế vùng, nhất là các tỉnh, thành đầu tàu về kinh tế như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Hiện tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển với hầu hết các tỉnh, thành này.
Ngoài ra, Tây Ninh có đất đai màu mỡ và hồ Dầu Tiếng rộng 27.000ha với nhiệm vụ phát triển đa mục tiêu. Trong đó vùng bán ngập trên 7.000ha có tiềm năng lớn phát triển năng lượng điện mặt trời. Ngoài ra, Tây Ninh có 7 KCN, 2 khu kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát). Hệ thống hạ tầng, giao thông được đầu tư đồng bộ; dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang khẩn trương triển khai, hứa hẹn tạo cú hích cho kinh tế - xã hội Tây Ninh phát triển đột phá.

Một góc TP.Tây Ninh

Ảnh: Giang Phương

Những yếu tố nào khiến “làn sóng” đầu tư vào tỉnh Tây Ninh ngày càng sôi động trên nhiều lĩnh vực, thưa ông?
Từ khát vọng vươn lên mạnh mẽ, ý chí và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế của cấp ủy, chính quyền. Cùng với đó là các giải pháp đồng bộ, xác định đúng các khâu đột phá, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ một tỉnh hạn chế trong thu hút đầu tư, đến nay Tây Ninh đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của DN trong và ngoài nước.
Trong đó, Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood với công suất 55.641 tấn nguyên liệu/năm, tổng vốn đầu tư 1.800 tỉ đồng, góp phần kết nối, tạo sự phát triển, đồng bộ trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất, chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp của địa phương. KDL quốc gia Núi Bà Đen là tâm điểm phát triển du lịch, tạo kết nối lan tỏa, thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.
Là tỉnh có đường biên giới dài và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Ninh có nhiều lợi thế nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức?
Với đường biên giới dài, có nhiều cửa khẩu thông thương hàng hóa, đối ngoại, vừa là lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức về quốc phòng - an ninh, đặc biệt là các loại tội phạm trên biên giới (buôn lậu, mua bán người, ma túy…).
Mặt khác, Tây Ninh xuất phát điểm của nền kinh tế thấp nên quy mô, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế dẫn đến sự kết nối liên vùng có nhiều khó khăn. Khoảng cách phát triển so với đa số các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm khá lớn; hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ðịnh hướng của Tây Ninh trong thời gian tới, thưa ông?
Với quyết tâm chính trị, khát vọng vươn lên, tỉnh đang nỗ lực chuyển hóa thách thức thành cơ hội để phát triển. Trong thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH - HĐH. Ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng điện mặt trời. Chú trọng khai thác dịch vụ logistics, kinh tế biên mậu.
Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch. Kết nối KDL quốc gia núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng, Căn cứ T.Ư Cục Miền Nam thành chuỗi du lịch hấp dẫn; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch về đêm, du lịch sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh...
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới xúc tiến đầu tư toàn diện gắn với cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Giai đoạn 2020 - 2025 sẽ là tiền đề, động lực phát triển đến năm 2030. Do đó, tỉnh quyết liệt thực hiện các chương trình đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đột phá về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch; về cải cách hành chính gắn với phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng CNTT. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng; ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của hệ thống chính trị và nhân dân. Tạo sự đồng lòng, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, “trên dưới như một”, vì sự phát triển của địa phương.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.