Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, nhưng tỉnh từng bước khống chế, kiểm soát và song song với việc khôi phục phát triển kinh tế. Thống kê 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của Tây Ninh đạt khá toàn diện, có nhiều điểm nhấn ấn tượng.
Toàn cảnh TP.Tây Ninh từ trên cao |
Nguyễn Nhật Tường |
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.463 triệu USD, đạt 27,1% so với kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.385 triệu USD, đạt 28,5% tăng 17,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 24.477 tỉ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Riêng ngành nông nghiệp ổn định, kịp thời hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm, lưu thông vận chuyển, khôi phục sản xuất. Sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng khá. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 7.695 tỉ đồng, đạt 21,7% so với kế hoạch, tăng 8,9%. Tổng thu ngân sách nhà nước 2.688 tỉ đồng, đạt 26,8% dự toán, giảm 24,5%. Tổng chi ngân sách địa phương 3.163 tỉ đồng, đạt 30,4% dự toán, tăng 23,2%.
Đáng nói, ngành du lịch trong tỉnh trỗi dậy mạnh mẽ, góp phần tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế. Tổng số khách đến Tây Ninh tham quan du lịch trong 3 tháng đầu năm ước đạt 2,26 triệu lượt, tăng 84,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước 573,4 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, Tây Ninh trở thành địa phương thu hút lượng khách du lịch lớn nhất nước với gần 600.000 khách. Một con số ấn tượng nhất từ trước đến nay ở tỉnh này.
Công trình vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2.361 km, kết cấu bằng ống thép, một phần trong dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông |
Giang Phương |
Có được con số ấn tượng này, hoàn toàn không nằm ở yếu tố may mắn mà do chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh này đi đúng hướng. Cụ thể, Tây Ninh đã chọn núi Bà Đen là trung tâm vực dậy ngành du lịch của toàn tỉnh. Với sự lột xác ngoạn mục của núi Bà Đen từ sau những ngày “nới lỏng giãn cách xã hội” và việc HĐND tỉnh có nghị quyết miễn phí vé vào cổng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã tạo đà cho toàn bộ ngành du lịch vực dậy mạnh mẽ.
Thậm chí, để ngành du lịch có điều kiện phục hồi tối đa, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu Sở VH-TT-DL tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, giới thiệu các hoạt động du lịch. Các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch… Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nước ngoài trong công tác làm thủ tục nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh…
Mới đây, ngày 14.4, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Tân Nam chính thức nhận quyết định của Bộ Quốc phòng về việc nâng cấp từ cửa khẩu phụ lên thành CKQT. Như vậy đến nay, Tây Ninh đã có 3 CKQT cho toàn tuyến biên giới dài 240 km giáp Campuchia. Nhờ đó, kinh tế - xã hội tỉnh này tiếp tục được kỳ vọng vực dậy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đảm bảo an ninh cho tuyến biên giới. Ảnh: Giang Phương |
Dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông
Năm 2022, một trong những công trình trọng điểm ở Tây Ninh cơ bản được hoàn thành dù đang đại dịch, giúp địa phương này giải bài toán vực dậy tiềm năng ngành nông nghiệp phía tây sông Vàm Cỏ Đông, nơi từng được xem là vùng “khát nước” nhất tỉnh. Theo đó, dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông với tổng vốn đầu tư 1.245 tỉ đồng trở thành công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi có nhiệm vụ dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp phía tây sông Vàm Cỏ Đông. Đồng thời, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho người dân 2 huyện biên giới là Châu Thành và Bến Cầu.
Bình luận (0)