Tay trắng khởi nghiệp

23/03/2010 17:29 GMT+7

Một tay cũng làm nên chuyện Người ta thường nói “lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng”, nhưng anh Phan Thành (thôn 2, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chỉ có duy nhất một bàn tay...

Anh Thành ra đời đúng vào năm giải phóng đất nước - 1975, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Năm học lớp 6, một lần đi ngang qua cột điện, thấy có tổ chim non đang tíu tít đòi ăn, cậu bé Thành đã dại dột toan trèo lên bắt. Chưa kịp chạm đến những chú chim nhỏ thì tia lửa điện kinh hoàng lóe lên... Khi choàng tỉnh trong vòng tay của cha, dòng nước mắt ngắn dài của mẹ thì cánh tay phải của Thành đã không còn nữa. Thành bỏ học từ đó và bắt đầu những ngày dài tăm tối của sự tự ti, buồn nản.


Với bàn tay lành lặn còn lại, anh Phan Thành quyết tâm gây dựng cơ nghiệp - Ảnh: N.P

Năm 1999, Thành cưới vợ, và khi đã có đứa con đầu tiên, nghề chính của anh vẫn là... giữ trâu và bắt ếch. Một đêm trăng sáng, đang mò mẫm trên bờ ruộng bắt ếch, anh bất ngờ trúng một cơn gió độc suýt chết. Sau cơn mê man, anh nghĩ: “Nếu cứ thế này, lỡ mình chết thì vợ con ai nuôi, mẹ cha ai phụng dưỡng ?”.

Năm 2000, với gần 15 triệu đồng vay mượn và một cánh tay, một cán cuốc, Thành bắt đầu xới những đám cỏ đầu tiên của một khu đất hoang thuộc xã Hải Thọ (cách nhà chừng 5 km), mặc cho nhiều lời dè bĩu, nghi ngờ “lành lặn còn chẳng ăn ai, nữa là...”. Anh âm thầm đọc sách báo tìm kiến thức để đào ao thả cá, đi học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi cá xã bên. “Mấy vụ đầu không biết thế nào mà tui trúng lắm... Nhưng được bao nhiêu lại đổ vào chữa bệnh cho thằng con”- anh kể. Đó có lẽ là cú sốc tiếp theo của đời anh, cháu Phan Khắc Công, đứa con trai duy nhất trong ba đứa con của anh, bị mù. Tưởng chừng như người cha này đã quỵ ngã khi liên tục dắt díu con vào ra bệnh viện ở Hà Nội, Sài Gòn như đi chợ...

Làm lại từ đầu vào cuối 2004, khi đã chấp nhận sự thật rằng con cũng như mình chắc “bị trời bắt vạ”, Thành làm việc quần quật ngày đêm để khuây khỏa nỗi buồn, lo cho gia đình. Một hồ, rồi hai hồ và bây giờ là bốn hồ nuôi cá trắm, cá chép, cá mè... Thu hoạch đều đặn của Thành làm không ít người bất ngờ. Chưa dừng lại,  anh còn xây chuồng nuôi lợn, gà, vịt... Quả trời không bạc với con người giàu nghị lực này, mô hình trang trại nhỏ của anh đã dần ổn định và thu được kết quả bước đầu. Mỗi năm trung bình anh thu về khoảng 70 triệu đồng. Một con số không lớn nhưng lại đáng ước mơ với nhiều người dân ở xã vùng trũng này.

Anh Thành tâm sự: “Từ trước đến nay tui chưa bao giờ xin để làm... hộ nghèo, để nhận trợ cấp dù nhà tui nghèo thiệt. Chỉ có nghĩ như thế, tui mới phấn đấu làm ăn”. Anh Thành còn là một thành viên tích cực của Xã Đoàn Hải Thọ, những ngày đầu dè dặt e ngại của anh nhanh chóng biến mất mà thay vào đó là những chia sẻ thân tình gần gũi trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội. “Cái chi có anh, có em nó cũng hay hơn...”- anh cười nói.

Người trồng 60 héc ta rừng

Mặc cho đất Quảng Trị gió Lào cát nóng,  Đỗ Anh Khánh (36 tuổi, thôn Minh Hương, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ) vẫn quyết bám đất để trồng rừng.

Anh Khánh sinh ra trong một gia đình bình thường nơi miền quê nghèo khó vốn chẳng có bao nhiêu quỹ đất để trồng lúa trồng ngô. Học hết cấp III, anh cũng như khá nhiều bạn trẻ khác trong làng phải bỏ dở nhiều ước mơ vì hoàn cảnh. “Phải làm gì từ đôi bàn tay trắng để tự lập...” luôn là câu hỏi đau đáu trong anh.


Anh Đỗ Anh Khánh - Ảnh: N.P

Năm 1998, anh dắt díu vợ con ra dựng trại khai hoang với vốn liếng chưa đầy 4 triệu đồng vay mượn bà con chòm xóm. Ngày ngày cứ một rựa, một cuốc cùng với sự giúp đỡ của anh em, anh cứ cặm cụi như một chú ong chăm chỉ, phát quang héc ta. Từ đó anh lần lượt trồng cao su, hồ tiêu, sắn... “Nghĩ lại ngày đó thấy cực thiệt, nhưng cũng thấy mình lì lợm ghê, cứ quyết cái gì là phải làm cho bằng được...”- đôi mắt Khánh nheo lại hằn rõ những vết chân chim khi nhớ về quá khứ.

Khánh cũng đã từng thử chăn nuôi bò nhưng thất bại, đành bán tống bán tháo hết, chỉ để lại đôi ba con để làm sức kéo. Mấy vụ tiêu trước đây, do dịch bệnh hoành hành nên trang trại nhỏ của anh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tính kế làm ăn lâu dài, chắc ăn hơn, anh quyết tâm vay vốn ngân hàng để trồng rừng và loại cây anh lựa chọn là cây keo lai, keo tai tượng. Vào thời điểm mà người dân nghe giao đất rừng không dám nhận vì ngại khó,  anh Khánh lại nhận và thuê hết đất của các đoàn thể, gom lại cũng được gần 60 héc ta, bằng mấy quả đồi. Anh thuê nhân công trong địa phương để trồng, chăm sóc và giờ đây muốn đi một vòng quanh khu rừng phải mất mấy tiếng đồng hồ. Với  6 héc ta cao su, 3 héc ta tiêu, 5 héc ta sắn... mỗi năm anh thu về khoảng hơn 100 triệu đồng. Số tiền này anh chỉ dùng để dồn sức cho việc chăm sóc rừng, trả tiền nhân công, như một cách để “lấy ngắn nuôi dài”, chờ đến năm 2012 sẽ thu hoạch từ rừng.

Hiểu được xung quanh mình còn bao thanh niên trẻ giàu nghị lực, nhiều ước mơ nhưng chưa có cơ hội để khẳng định, anh đã giúp đỡ họ cả về vật chất cũng như truyền kinh nghiệm của người đàn anh đi trước. “Quê mình nghèo nhưng thanh niên quê mình có chí, chỉ cần được hỗ trợ vốn và kỹ thuật, mình tin họ cũng sẽ làm được như mình...”- anh lạc quan.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.