Dù hai con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương đều sống cách Việt Nam hàng chục giờ bay nhưng từ mấy năm nay, các anh đều thay nhau về đón Tết cổ truyền cùng bố mẹ.
Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương và con trai Vũ Hà Văn
|
Mẹ ơi con đã về đây
Đến chơi thăm gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương dịp Tết Bính Thân, vợ ông - bà Đào Thị Hường - hoan hỉ báo, năm nay có cậu con trai cả từ Mỹ về đón Tết cùng bố mẹ. “Thì ra anh ấy đã lên kế hoạch từ trước, nhưng mãi gần đây khi đã có lịch bay cụ thể mới báo cho bố mẹ biết, sợ báo sớm quá, nhỡ có khó khăn đột xuất không về được thì làm bố mẹ “đau tim” vì thất vọng”, bà Hường cười.
Nhà thơ Vũ Quần Phương là người nổi tiếng trong giới văn nghệ có hai con trai đều nổi danh, thành đạt. Anh lớn Vũ Hà Văn, một giáo sư toán nổi tiếng trường Yale danh tiếng ở Mỹ. Anh út là Vũ Thanh Điềm, chuyên gia của Google, trước làm việc tại trụ sở chính ở Mỹ, mấy năm gần đây sang làm việc tại một chi nhánh ở Thụy Sĩ. Cũng như nhiều cặp vợ chồng trí thức có con cái phương trưởng, những dịp gia đình ông bà được đoàn tụ đông đủ con cháu ngày càng hiếm. Tuy nhiên, những năm gần đây, gần như chưa năm nào, các con trai ông bà để bố mẹ lủi thủi đón Tết cùng nhau.
“Cách đây 4 năm trở về trước, sức khỏe còn khá tốt nên cứ vài năm một lần cô chú lại sang Mỹ sống cùng các con, mỗi đợt đi như thế kéo dài khoảng nửa năm và thường là qua Tết cô chú mới về Việt Nam. Tất nhiên hương vị Tết ở bên đấy thì làm sao sánh được với hương vị Tết ở nhà, nhưng vẫn phải sang vì nhớ con cháu. Ngày thường vẫn nhớ, nhưng những lúc năm hết Tết đến thì nỗi nhớ da diết hơn. Gần đây sức khỏe chú yếu nên không thể đi Mỹ thường xuyên như trước được. Vì thế mà hai cậu con trai bàn nhau thu xếp thời gian để về đón Tết cùng cô chú. Năm kia cậu cả, năm ngoái thì cậu thứ hai, năm nay lại đến lượt cậu cả”, nhà thơ Vũ Quần Phương tâm sự.
Không muốn để bố mẹ mủi lòng
Thực ra con trai lớn của nhà thơ, giáo sư Vũ Hà Văn, cũng không hẳn là đi biền biệt. Hầu như hè nào giáo sư Văn cũng về thăm bố mẹ vài tuần. Mấy năm gần đây, giáo sư kết hợp với lịch làm việc tại Việt Nam nên kế hoạch này càng thuận lợi.
“Thực ra năm nay anh định mời bố mẹ anh sang Mỹ, nhưng rồi bố anh ốm phải vào viện nên phải hủy chuyến đi. Vì vậy anh và cậu em cũng trao đổi với nhau là một trong hai anh em phải thu xếp thời gian để về. Từ nay trở về sau, hai anh em sẽ cố gắng duy trì kế hoạch này. Đúng là dịp Tết của mình, thế giới họ vẫn làm việc nên cả anh và cậu em trai đều bận. Tuy nhiên nếu mình có ý thức, xem đó là việc cần phải làm, thì sẽ sắp xếp được. Điều phiền toái nhất chỉ là do hành trình quá dài. Kể từ khi anh ra khỏi nhà ở đầu kia cho đến khi bước chân vào cửa nhà ở đầu này tổng cộng là 32 tiếng đồng hồ. Riêng thời gian ngồi trên máy bay là khoảng 24 tiếng”, giáo sư Vũ Hà Văn cho biết.
Do về đến nhà vào ngày cận Tết nên giáo sư Văn về chỉ có mỗi việc… ăn và chơi Tết. Bà Hường khoe: “Sắm sửa, nấu nướng thì mẹ chuẩn bị hết rồi nên Văn cũng chẳng phải làm gì. Tuy nhiên, anh ấy rất chăm rửa bát giúp mẹ”. Giáo sư Văn cười: “Năm nay tần suất rửa bát thưa hơn vì tự nhiên về đến Việt Nam anh lại bị đau khớp chân”. Nhà thơ Vũ Quần Phương thì lo lắng: “Chú đã gọi cho một anh bác sĩ quen, nhưng khổ nỗi anh ấy lại đang về quê ăn Tết. Thôi đành phải để con chịu đựng thêm vài ngày”.
Giáo sư Văn còn nói đùa, được “vinh dự” về nước nghỉ Tết nhưng kỳ nghỉ của anh còn vất vả hơn những người đi làm, bởi ngày nào cũng phải ăn cỗ, có ngày ăn 2 bữa, tuy ở nhiều nơi khác nhau nhưng bữa nào cũng đều giống nhau.
“Nói vậy thôi, về để bố mẹ vui thì vất vả thế có là gì so với những vất vả ngày xưa bố mẹ nuôi mình. Ngày xưa bố mẹ phấn đấu nuôi dạy con giỏi để con được đi học ở nước ngoài. Nhưng vì thế mà giờ đây chỉ còn hai ông bà sống với nhau. Ngày Tết của Việt Nam là ngày sum họp gia đình, nếu vẫn chỉ có 2 cụ với nhau thì chắc chắn bố mẹ anh sẽ có lúc thấy mủi lòng”, giáo sư Văn giải thích.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng tâm sự, ông mừng và thầm hài lòng vì các con mình không chỉ thành đạt mà đều rất hiếu thuận, luôn lo lắng quan tâm bố mẹ.
Bình luận (0)