Người bán ngồi lướt điện thoại, chờ người mua
Có mặt tại tầng hầm chợ An Đông (Q.5) lúc 10 giờ sáng 10.12, khung giờ cao điểm mua sắm tại chợ, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng hóa phong phú chủng loại, hình ảnh bắt mắt, nhưng không khí mua sắm khá trầm lắng. Chủ quầy sạp T.P, chuyên kinh doanh cà phê, bánh, mứt…, cho biết từ đầu tháng 12 hàng hóa phục vụ tết đã được chở về sạp. Tuy nhiên đến nay, khách mua hàng tết số lượng lớn chưa thấy bóng dáng đâu cả.
"Mọi năm, từ đầu tháng 12 dương lịch, khách mua hàng đóng đi Trung Quốc và các nước rất nhiều, đặc biệt là khách Trung Quốc. Thế nhưng đến nay, chưa thấy một khách hàng lớn nào quay lại. Thông thường họ (khách Trung Quốc - NV) làm việc tại VN, mua gửi về quê; hoặc người thân bên này mua đóng hàng gửi sang… Nói chung không khí mua sắm của người Hoa tại chợ vào dịp này rất sôi động do người Trung Quốc ăn tết cổ truyền giống VN, dân lại đông, nên nhu cầu nhiều lắm. Rồi khách đóng hàng đi tỉnh thời điểm này cũng bắt đầu khởi động, chỉ còn hơn tháng nữa thôi chứ bao nhiêu. Nhưng năm nay vắng hoe...", bà chủ sạp T.P vừa nói vừa đưa tay chỉ dọc dãy hàng đồ khô ở chợ: "Cô nhìn xem, có khách nào vào mua đâu, chỉ có người bán nói chuyện với nhau và xem điện thoại".
Mãi đến hơn 11 giờ trưa, không khí trong chợ mới sôi động hẳn lên khi có một đoàn khách Trung Quốc vào mua sắm. Sau một lượt khảo sát giá, đoàn chia 2 nhóm mua hàng tại 2 quầy. Tại sạp M.L, nhóm khách có hơn chục người đóng 1 thùng gồm mứt dừa non và mực tẩm với tổng trị giá chưa tới 6 triệu đồng. Nhân viên bán hàng cho biết đây là đoàn khách quen, năm nào cũng mua. Nhưng lượng hàng họ mua năm nay giảm hơn một nửa so với mấy năm trước.
Tại tầng chuyên bán hàng áo quần thời trang cũng chung cảnh vắng vẻ đến lạ. Lác đác có khách đóng hàng chuyển đi tỉnh. Người bán chủ yếu ngồi lướt điện thoại, thỉnh thoảng ngẩng mặt lên hỏi "mua gì, ghé lựa" khi thấy bóng người đi qua.
Chợ Bình Tây (Q.6), ngôi chợ sỉ nổi tiếng bán các mặt hàng khô của khu vực miền Nam, cũng không khá hơn là mấy. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, không khí mua sắm tại đây vốn tấp nập hơn chợ An Đông, thế nhưng không khí tết vẫn chưa về. Vừa cân hàng, đóng hàng cho khách đi Trà Vinh, nhân viên bán hàng tại quầy sạp bánh kẹo mứt K.H ngay trước mặt tiền chợ cho biết: "Đây là hàng của khách mua thường xuyên, mua nhiều hơn để bán tết thì chưa thấy. Hàng hóa vẫn đủ chủng loại, chủ yếu là hàng trong nước. Do khách mua giảm nên năm nay quầy đặt hàng giảm hơn so với năm ngoái".
Đi mỏi chân, chúng tôi mới gặp một vài khách có vẻ là đóng hàng sỉ về tỉnh, bèn ghé vào hỏi chuyện. Bà Phương (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: "Thường dịp này, các nhà hàng, khách sạn mua đồ khô trữ để làm tiệc cuối năm cho khách hàng công ty. Năm nay tầm này chưa thấy nên hơn 2 tuần tôi mới lên chợ lấy hàng một lần. Dự báo nhu cầu giảm nên dù giá các mặt hàng nói chung chưa tăng, nhưng tôi cũng chủ động giảm lượng mua hàng, chỉ bằng 70% so với năm ngoái".
Khó khăn "chặn" đường sắm tết
Trao đổi với PV Thanh Niên, các tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối đều cho biết khá bi quan về mãi lực tại chợ dịp tết này. Đại diện một số kênh phân phối hiện đại cũng tỏ ra không lạc quan lắm. Hệ thống bán lẻ Farmers Market dự báo sức mua tết năm nay khó có đột biến. Khách hàng mua sắm tiết kiệm hơn nhiều nên hệ thống phân phối tập trung các giải pháp sao cho hàng hóa có giá tốt nhất; thậm chí phải thực hiện các đơn hàng làm quà tết với giá thấp hơn năm ngoái đến 10%.
Trong tuần này, Sở Công thương TP.HCM cũng khởi động mua bán hàng giá bình ổn, phục vụ Tết Nguyên đán. Giá cả nhiều mặt hàng giảm đến 60%, thậm chí giảm 100% khi nhiều doanh nghiệp áp dụng mạnh chính sách mua 1 tặng 1. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đa số doanh nghiệp sản xuất đang lo lắng sức mua thấp. Thế nên, ngay từ tháng 12 dương lịch, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn hơn các năm trước để kích thích sức mua. Ông Phương cũng nhận định thị trường khó xảy ra biến động về giá cả trong mùa tết do sự chuẩn bị sớm và số lượng khá dồi dào.
Lý giải về sức mua còn yếu, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cao cấp Kantar Việt Nam, cho rằng tình hình tài chính của các gia đình ổn định, nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước dịch Covid-19, nên dự báo sức mua sắm tết 2025 sẽ giảm. Một lý do nữa là tâm lý người tiêu dùng cũng như sự thay đổi trong cách đón tết. Khảo sát của Kantar Việt Nam cho thấy, cách đây 5 năm, vào quý 4/2019, có 84% hộ gia đình tỏ ra lạc quan về tương lai của kinh tế gia đình, nay tỷ lệ đó giảm dần, đến quý 3/2023 chỉ còn 69% lạc quan.
"Ba năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng tết vào kết quả kinh doanh cả năm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh giảm dần, từ 21% xuống 19% ở khu vực thành thị và từ 24% xuống 21% khu vực nông thôn. Đặc biệt, trong 4 quý gần đây, tăng trưởng khối lượng hàng tiêu dùng nhanh vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu tích cực ở cả 2 khu vực thành thị và nông thôn", theo khảo sát của Kantar Việt Nam.
Khảo sát mới đây của Anphabe với khoảng 700 doanh nghiệp tại VN cho thấy: 1/3 nhân viên hiện có tài chính tích cực, 74% cho rằng thu nhập hiện tại không đủ để chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu, 65% cho biết chưa được trả lương tương xứng với công sức làm việc và cảm thấy không an tâm về thu nhập tương lai.
Dẫn những con số trên, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú đồng quan điểm rằng so với các năm hậu dịch Covid-19, năm nay sức mua khó khăn hơn do thu nhập người dân giảm. Doanh nghiệp gặp khó khăn mất mát nhiều sau những đợt thiên tai, bão lũ. Thế nên, nhìn chung chi tiêu mua sắm vẫn phải "co kéo" rất nhiều.
"Chuẩn bị mùa mua sắm tết, nhiều địa phương khởi động chương trình khuyến mại rất sớm nhằm tăng sức mua, đặc biệt là giảm giá mạnh nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, sâu xa hơn của việc kích cầu là phải giải quyết bài toán tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của từng gia đình và các cá nhân trong cộng đồng. Như vậy mới giải quyết được bài toán sức mua một cách thực chất", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Hàng hóa sản xuất hiện nay khá dồi dào, chất lượng đã được nâng cao một bước, hàng Việt rất phong phú. Tuy nhiên, sự gắn kết giữa sản xuất và phân phối còn lỏng lẻo, chia cắt, còn mang tính cục bộ, lợi nhuận trong chuỗi giá trị phân chia không công bằng nên chưa tạo động lực cho nhà sản xuất và kích thích tiêu dùng tối đa. Hàng hóa tại chợ nhiều nhưng người dân dần quay lưng với chợ do thu nhập giảm một phần, phần quan trọng nhất là niềm tin của người dân vào chất lượng hàng hóa… Cần kiểm soát hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng không để ảnh hưởng đến tâm lý người bán hàng, đến không khí mua sắm của chợ. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại nội địa còn thiếu bình đẳng, minh bạch, công khai. Chính những vấn đề tồn tại này đã làm hạn chế đáng kể việc kích cầu tiêu dùng.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú
Bình luận (0)