Ca cấp cứu đêm giao thừa của bác sĩ “xuất ngoại”
Trực, đón giao thừa ở bệnh viện, với bệnh nhân, với những ca mổ và giây phút giao thừa cũng là giây phút sinh tử không là chuyện lạ đối với các bác sĩ cấp cứu ở một bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, trực, đón tết ở bệnh viện… nước ngoài là câu chuyện của các bác sĩ Việt Nam làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh (Camphuchia).
Trong câu chuyện đầu năm Đinh Dậu, khi đang trực Tết tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức (vừa trở về lại Việt Nam sau một năm nhiệm kỳ làm Giám đốc chuyên môn và Tổng giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh - Campuchia), kể về đêm giao thừa Tết Nguyên đán và ca cấp cứu trực trên nước bạn.
Bác sĩ Thức cho biết những ngày cận tết, lại có đoàn bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM qua thay ca, làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy Campuchia. “Xuất ngoại” đi trực lúc này, ai cũng biết thế là năm nay mình được đón Tết Nguyên đán ở đất khách. Vì vậy, anh em y bác sĩ đi trực, ngoài hành trang thông thường, mỗi người lại đem theo một, hai món truyền thống để đón tết trên nước bạn. Người thì bánh chưng, bánh tét, người dưa hấu trái cây, người thịt kho, củ kiệu, dưa hành,… Thế là, các bác sĩ có tết ở Campuchia!
|
“Ngày 30 tết, các bác sĩ Việt Nam dọn bữa cơm tất niên, trò chuyện cuối năm, đón giao thừa. Hôm đó, khi vừa dùng xong bữa cơm tất niên thì có bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng, nguy kịch do tai nạn giao thông”, bác sĩ Thức kể.
Bệnh nhân nam (40 tuổi, người Campuchia), nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh trong tình trạng chân tay yếu, lạnh, khó thở, niêm mạc nhợt nhạt, mạch khó bắt, vùng thắt lưng không có cảm giác… Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị chấn thương cột sống và vỡ tạng rỗng. Tính mạng bệnh nhân bị đe doạ nếu không được cấp cứu phẫu thuật kịp thời.
tin liên quan
Bác sĩ sản kể chuyện những ca sinh hy hữu vào giao thừaGiao thừa là thời khắc thiêng liêng dành cho sự đoàn viên gia đình. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa lại thường xuyên đón giao thừa trong bệnh viện. Và giao thừa mỗi năm như thế lại có những ca sinh đặc biệt.
Sau khi khám, làm các xét nghiệm cần thiết, một cuộc hội chẩn gấp đã được thực hiện với sự tham gia của các bác sĩ Ngoại thần kinh, Ngoại tổng quát và Chấn thương chỉnh hình. Ê kíp đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân ngay trong đêm. Sau 4 giờ phẫu thuật căng thẳng, bệnh nhân được cứu sống. Khi ca phẫu thuật kết thúc, thì đã qua 2 giờ sáng mồng 1 Tết.
Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, liên tiếp lại có thêm trường hợp bệnh nhân nặng nhập viện. Các bác sĩ lại cấp tập hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Công việc cứ thế tiếp tục diễn ra… mặc tết.
Hai cái tết một năm nhưng không được ăn tết nào
“Việt Nam có Tết Nguyên đán. Campuchia lại ăn tết truyền thống vào tháng 4. Thế nên, một năm làm việc ở Campuchia, tôi được có hai cái tết. Mang tiếng được hưởng hai cái tết một năm nhưng thật ra bác sĩ lại không được ăn cái tết nào”, bác sĩ Thức cười nói.
Bởi lẽ, Tết Nguyên đán của Việt Nam là ngày làm việc bình thường ở Campuchia. Trong khi đó, tết truyền thống ở Campuchia lại là ngày thường của mình. Thế nên, bác sĩ cũng cũng không được… nghỉ tết.
|
Lịch nghỉ tết của các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh đơn giản chỉ là đêm giao thừa Tết Nguyên đán, các y bác sĩ Việt Nam cùng bày mâm cơm tất niên, đón giao thừa. Sau đó, mọi người làm việc bình thường vì ở Campuchia đây là ngày làm việc bình thường, không ai nghỉ tết.
“Vì vậy, đón giao thừa, tết tất nhiên buồn hơn ở nhà vì nhớ nhà, không được “ăn tết”, tận hưởng không khí tết”, bác sĩ Thức tâm sự. Tuy nhiên, anh em bác sĩ lại có cơ hội ngồi tâm sự với nhau.
Trong khi đó, dịp tết truyền thống ở Campuchia, bệnh viện sẽ tổ chức giao thừa, đón tết chung tại bệnh viện. Theo truyền thống của Campuchia, dịp tết, các đơn vị sẽ mời nhà sư đến làm lễ, cúng. Hoạt động tại Campuchia, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh cũng “nhập gia tùy tục”. Các nghi lễ được tiếp hành theo phong tục ăn tết của người dân Campuchia và toàn bộ y bác sĩ, cả bệnh nhân trong bệnh viện cũng đều tham gia”, bác sĩ Thức kể.
tin liên quan
Cận cảnh bệnh viện phục vụ chuẩn quốc tế, phí khám chỉ 20.000 đồngKhông phân chia khám dịch vụ, khám thường và phí khám bệnh 20.000 đồng nhưng phục vụ bệnh nhân theo chuẩn quốc tế. Tại bệnh viện này, lần đầu tiên, ba mẹ đưa con đi khám bệnh thấy thảnh thơi, không 'đổ mồ hôi' vì quá tải.
Tuy nhiên, theo truyền thống tết Campuchia, mọi người đều đi lễ chùa. Đi càng nhiều chùa thì tích phúc đức càng nhiều. Vì vậy, một người dân Campuchia trong dịp tết đi ít nhất 5-6 chùa. Thời gian tết này, các bác sĩ người Campuchia làm việc tại bệnh viện hầu như nghỉ 5-6 ngày.
Trong khi đó, số lượng bệnh nhân nhập viện trong những ngày tết truyền thống của Campuchia thường tăng 20-30%, hầu như là ca nặng do tai nạn giao thông.
“Vì vậy, các các bác sĩ Việt Nam phải gánh vác hết công việc, hầu như phải mổ liên tục và làm việc rất nhiều. Tết Campuchia là ngày làm việc bình thường của mình nên tất nhiên cũng không được… nghỉ tết”, bác sĩ Thức chia sẻ.
Bệnh viện Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh đã được khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 13.1.2014. Đây là bệnh viện hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Trong đó, đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ hỗ trợ chuyên môn chính cho Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh là các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy từ Việt Nam luân phiên qua.
Bác sĩ Thức cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh có 15 khoa phòng, với khoảng 260 y bác sĩ. Trong đó, luôn luôn có 25 bác sĩ là chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, đầy đủ chuyên khoa, qua làm việc. Bên cạnh đó, cũng luôn có một bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Từ Dũ hoặc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) luân phiên qua hỗ trợ chuyên môn. Các bác sĩ Việt Nam ở tại bệnh viện, ăn ở, sống và làm việc như bác sĩ ở Campuchia.
Các bác sĩ ở, làm việc tại Campuchia khoảng 2 tuần/đợt. Riêng, bác sĩ giám đốc có nhiệm kỳ 6 tháng. Bác sĩ Thức là người làm việc tại Campuchia “dài hơi” nhất cho đến nay. Anh nhận nhiệm vụ tại đây một năm với vai trò giám đốc chuyên môn và Tổng giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh.
Bác sĩ Thức cho biết, hiện nay, trung bình Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh tiếp nhận hơn 300 lượt khám mỗi ngày, với 30 trường hợp cấp cứu và 100 bệnh nhân nội trú.
“Tất cả những mặt bệnh nào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) có thì Bệnh viện Chợ Rẫy PhnomPenh cũng có”, bác sĩ Thức nói.
|
tin liên quan
Khám phá ca mổ bằng robot tại Bệnh viện Bình dân TP.HCMPhẫu thuật bằng robot cho người lớn được Bộ Y tế đánh giá là một thành tựu y khoa của Việt Nam năm 2016. Thật thú vị khi khám phá một ca phẫu thuật mà bác sĩ mổ chính như đang... chơi game thực tế ảo.
tin liên quan
Đón chào những công dân ra đời ngày đầu năm mớiLúc 0 giờ sáng mồng 1 tết, lãnh đạo TP.HCM đã đến Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện
Hùng Vương để đón chào những công dân đầu tiên của thành phố ra đời.
Bình luận (0)