Cả năm tự hỏi, tự trả lời câu ấy hết trưa tới tối, năm hết tết đến lại càng phải tìm câu trả lời ráo riết hơn. Đã đành là ăn tết cơ mà, nên cũng phải cầu kỳ, khác biệt hơn so với ngày thường.
Trong cơn bão thực phẩm bẩn tràn lan, nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm rình rập, không ít bà nội trợ chọn cách tự tay chế biến toàn bộ cho lành. Ăn được bao nhiêu nhưng làm thì hỡi ôi vất vả. Mấy ai ngày xuân vừa nâng chén rượu, vừa bình phẩm miếng bò khô này thơm, miếng giò nạc này gói chưa khéo mà nhớ đến công người hì hục còng lưng chế biến.
tin liên quan
Khổ vì chồng quá đảm đangBạn bè thường ca thán về các ông chồng lười việc nhà, riêng Ngọc thì ngược lại. Ai cũng trầm trồ là cô quá may mắn, nhưng phải “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Phụ nữ rất dễ bị cái danh xưng “đảm đang” làm mờ mắt. Ngày tết mời bè bạn, họ hàng đến nhà, ai chả sung sướng khi khách nức nở trầm trồ trước những món ngon tự tay nữ chủ nhân chế biến. Nhưng đổi lấy những lời khen ấy cũng chẳng đơn giản. Tết chỉ có ba ngày trời ngắn ngủi, nhưng để có cái tết ngon lành đúng chuẩn đảm đang, cây nhà lá vườn thì cần thời gian gấp mấy lần số đó.
Tôi nhớ hồi còn bé, mẹ tôi vẫn thường giữ thói quen gói bánh gai vừa để ăn, vừa để thắp hương, mang biếu. Ăn được bao nhiêu, nhưng nghĩ đến mấy công đoạn làm bánh đến giờ tôi vẫn rùng mình. Nguyên việc nhặt hết xơ gân trong thúng lá cũng đã đủ làm người ngợm ê ẩm cả mấy ngày trời, còn phải luộc, phải xay, trộn bột.
Kỳ công nhất là khâu ngồi giã cối bột cho thật nhuyễn, thật mịn, đến khi đạt yêu cầu thì tay cũng phồng rộp. Suốt bao nhiêu năm trời, cứ đến ngày làm bánh gai là cả nhà ai cũng sợ. Sau cùng, mẹ tôi quyết định liệt bánh gai vào danh sách thực phẩm đi mua. Tìm được địa chỉ cung cấp vừa ngon, vừa sạch sẽ, vậy là tết vừa có bánh ngon để ăn vừa khỏe người.
Tết sắp đến, báo chí đồng loạt đăng tải một loạt các công thức nấu ăn, đủ mứt tết, bánh trái, món ngon, món lạ với các dòng tít đọc lên đã thấy bị dụ dỗ: “Tết làm món này đảm bảo chồng gật, con khen”, “Lấy lòng mẹ chồng với món ngon dịp tết”, “Làm bà nội trợ đảm đang với món ngon đón khách”…
Sống trong xã hội mà những danh hiệu mĩ miều như đảm đang, khéo léo, toàn tài vẫn chưa bao giờ hết hấp dẫn, chị em lại tất bật thu vén công việc cơ quan vốn đã bù đầu vào cuối năm để sên mứt, gói giò, làm bánh, làm đồ nhậu, muối hũ dưa chua, những mong tết bày lên bàn toàn đồ do chính tay mình làm ra.
Ngon thì ngon đấy, sạch thì sạch đấy, ý nghĩa thì ý nghĩa đấy, nhưng thử hỏi người phụ nữ còn đâu thời gian để thảnh thơi cho mình ngồi xuống uống một tách trà, nhấm nháp một chiếc bánh, mặc một chiếc váy đẹp, tô thêm một chút son khi ngoài kia xuân đã về. Tết ở cơ quan là bộn bề công việc cuối năm, là biếu xén quà cáp, là cấp trên, đối tác, là kẹt xe, khói bụi. Tết ở nhà là cắm mặt vào chảo mứt, vào hũ dưa, vào trăm món không tên, trăm thứ việc cần chu toàn, tươm tất.
Liệu họ có thực sự thấy vui?
Tôi thấy rằng ý nghĩa thực sự của ngày tết chẳng nằm ở một, hai món ăn bày lên mâm cỗ. Thiếu món này, thiếu thức kia, tết vẫn là tết. Chỉ có thiếu niềm vui thì mới không có tết mà thôi. Phụ nữ thời xưa chỉ cần có hai chữ đảm đang là đủ, nhưng phụ nữ ngày nay ngoài phần “đảm việc nhà” còn phải gánh thêm phần “đảm việc nước”, quả thực chẳng khác gì phải làm nữ siêu nhân.
Được khen thì ai mà chẳng thích, nhưng nếu cái giá phải trả cho những lời khen vô bổ ấy là sự mệt mỏi, rệu rã của bản thân, là vắt kiệt thời gian và sức lực để chạy đua thì nên suy nghĩ lại. Tôi nghĩ người chồng nên cần nụ cười của người vợ, cần giây phút thảnh thơi của hai vợ chồng hơn là cần thêm một món nhậu ở trên bàn, những đứa con nên cần sức khỏe và thời gian của mẹ hơn là cần một món bánh, một đĩa mứt.
Tết này bạn chẳng làm gì cả, cũng đâu có sao. Bởi người phụ nữ thông minh hoàn toàn có thể đảm đang theo một cách khác, không nhất thiết phải tự mình đầu bù tóc rối. Tôi quan niệm cái gì mua được bằng tiền thì nên mua, bởi sự thảnh thơi của bạn là thứ chẳng thể mua được ở bất kỳ đâu.
Tết chỉ thực sự vui, khi trong nhà ai cũng có thể an tâm ngồi xuống, thảnh thơi đón giây phút xuân về.
Bình luận (0)