(TNO) Với các phạm nhân đang bị giam giữ và cải tạo ở Trại giam số 3 (Tổng cục 8, Bộ Công an), đêm giao thừa luôn là khoảng thời gian chất chồng cảm xúc, suy tư: thèm khát không khí đoàn tụ gia đình, sự ân hận, cảm nhận rõ nhất giá trị của tự do...
Chuẩn bị đón Tết
|
Ăn Tết 4 ngày
Trại giam số 3 đóng trên địa bàn xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đang giam giữ, cải tạo trên 2.600 phạm nhân. Theo quy định chung, các phạm nhân ở trại giam này cũng được ăn Tết 4 ngày, bắt đầu từ 30 tháng Chạp đến ngày mùng 3 Tết. Chế độ ăn Tết cao gấp 4 lần so với ngày thường, tức mỗi ngày được hơn 60.000 đồng/người. Tết này, thực đơn của Trại giam số 3 đã được niêm yết cho phạm nhân biết. Trong đó, mỗi ngày mỗi người có 1 chiếc bánh chưng, 4 lạng thịt lợn, ngoài ra còn có cá tươi, dưa món, canh khoai tây, mứt, hạt dưa…
Đại tá Bùi Minh Châu, Phó giám thị Trại nói, thực phẩm ở đây đều là thực phẩm sạch, an toàn vì lợn, cá, rau đều do trại nuôi, trồng. 4 ngày Tết, phạm nhân được chơi các trò chơi thể thao, vui chơi trong trại.
Để mỗi người trong trại giam có đủ 4 chiếc bánh chưng, trại đã gói xong hơn 10.000 cái bánh.
Để mỗi ngày mỗi phạm nhân có 1 chiếc bánh chưng, Trại giam số 3 đã gói 10.000 chiếc
|
Vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết, Giám thị Trại giam đến các phòng chúc tết phạm nhân, tặng quà bánh, kẹo. Những phạm nhân nghèo, không có người thăm nuôi còn được tặng thêm quà.
Khoảng lặng đêm giao thừa
Dẫu đầy đủ bánh chưng, và các món cổ truyền khác, nhưng với phạm nhân trong tù, Tết là khoảnh khắc mà họ ưu tư nhất. Đây cũng là lúc mà họ phải đối mặt với cảm giác cô đơn, trống trải, nhớ gia đình.
|
Đây là cái Tết thứ 11 trong trại giam của Trần Đình Thọ, quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An. 22 tuổi, Thọ vào tù với mức án 18 năm về tội hiếp dâm. “Hồi mới vào, em nghĩ mình không còn đường về nữa. Nhưng giờ thì ngày về đang gần với em hơn”, Thọ nói.
10 cái Tết trong tù cũng là 10 khoảnh khắc cảm xúc nhất với Thọ. “Cứ đến ngày Tết là em càng nhớ gia đình, thương bố mẹ. Em nhớ giây phút cùng gia đình yên vui bên nồi bánh chưng đêm giao thừa, được đi chơi với bạn bè. Em có cảm giác rất ân hận vì mình đã gây tội”, Thọ nói.
Trần Hồng Chương (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) có “thâm niên” 13 năm ăn Tết trong tù. Ngồi trò chuyện với tôi trong trại, Chương nói anh không thể quên được khoảnh khắc của những đêm giao thừa. Đêm giao thừa nào Chương cũng khóc. Anh em trong phòng xem ti vi chán thì nằm nhưng không ai ngủ được. Đó là cái đêm nhớ gia đình đến cồn cào.
Năm nay Nguyễn Quốc Tuấn, quê Hà Nội, đón cái Tết thứ 4 trong trại giam này. Tuấn vào trại năm 2012 với mức án 10 năm tù về tội buôn ma túy. 4 ngày Tết ở trại được no đủ với đủ hương vị của ngày Tết không khác gì ở gia đình nhưng với người đàn ông gần 50 tuổi này, sợ nhất là lúc đối mặt với đêm giao thừa. “Đó là thời khắc tạo cho tôi nhiều cảm xúc nhất để tự vấn bản thân. Thời khắc đó, cảm giác lớn nhất là thèm khát không khí đoàn tụ gia đình, sum họp bên nhau. Đó là lúc mình vừa ân hận vừa thương nhớ vợ, con, bố mẹ. Một cảm giác cồn cào, thổn thức rất khó tả. Với tù nhân chúng tôi, đó là đêm dài nhất trong năm và là lúc mình cảm thấy rõ nhất giá trị của sự tự do”, phạm nhân Tuấn chia sẻ.
Bình luận (0)