Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Tết đến thì lo nợ, sợ ma...

31/01/2024 07:40 GMT+7

Từ thế kỷ 17 - 20, phong tục truyền thống VN (trong đó có văn hóa ăn tết) trở nên rõ ràng và sống động hơn trước đó, điều này không chỉ thể hiện qua thư tịch chính thống trong nước, mà còn qua ghi chép của các nhà du hành, nhà buôn, giáo sĩ... phương Tây.

Phong tục tết biểu hiện nhiều thuộc tính văn hóa người Việt trong xã hội đặc thù thuần nông. Trong đó, có nhiều phong tục còn "di truyền" đến hôm nay. Nếu gạn lọc đi những định kiến do lệch pha văn hóa, tín ngưỡng, thì những ghi chép về phong tục tết Việt được người phương Tây ghi lại mang sắc thái lạ hóa, quyến rũ, đồng thời là những phát hiện thú vị nhờ có những khoảng cách nhất định...

Nợ nần cuối năm

Thâm nhập vào dân chúng ở cả Đàng Ngoài, Đàng Trong để truyền đạo vào đầu thế kỷ 17, giáo sĩ Alexandre de Rhodes nhìn thấy các phong tục kiêng cữ cúng tế ngày tết với không ít định kiến đến từ một truyền thống văn hóa tôn giáo khác. Tuy vậy, ông cũng lại thấy một điều tinh tế khác: ẩn sau bức tranh chộn rộn ngày tết là một cảm thức âu lo của người dân An Nam nói chung.

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Tết đến thì lo nợ, sợ ma...- Ảnh 1.

Một gia đình chuẩn bị đón tết truyền thống. Tranh khắc gỗ của Henri Oger (thực hiện năm 1908 - 1909)

TL

Từ xa xưa, tết đã là một nỗi ám ảnh đối với người nghèo, bởi đó là một điểm mốc trong chu kỳ mưu sinh khó nhọc của một năm. Dân đen làm nông phải trả địa tô, người vay tiền buôn bán nhỏ phải tất toán chủ nợ, và đặc biệt, ai cũng nơm nớp đối diện với kỳ thuế khóa đầu tiên trong năm.

Trong cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (ấn hành lần đầu bằng tiếng Ý, năm 1652), cha Rhodes viết về tâm lý ám ảnh nợ nần, lo sợ chủ nợ đầu năm đến đòi, có lời nặng nhẹ xúc phạm cha mẹ, tổ tiên đã khuất: "Họ còn lo trả nợ trước cuối năm vì một lý do mê tín, họ sợ chủ nợ ngày mồng một tết đến đòi nợ, dĩ nhiên là bắt họ trong ngày đó phải xuất tiền ra trả và họ cho là một việc rất mực tai hại và là một điềm dữ" (Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch).

Trong cuốn sách trên, từ "nợ" được nhắc đến nhiều ở chương nói về những tục lệ người Đàng Ngoài giữ ngày cuối năm và ngày đầu năm. Có thể nhận thấy, mối ám ảnh này đi cùng với những liên hệ thiêng liêng trong đạo gia tiên truyền thống, đó là làm sao để việc khúc mắc ở đời không kéo theo những hệ lụy thiêng liêng với người đã khuất.

Cách mà vị giáo sĩ giải thích về cây nêu ngày tết ở Đàng Ngoài có vẻ cũng còn hơi nôm na, song nhìn rộng ra, đây cũng là cách lý giải cho thấy nỗi ức chế bởi nợ nần xuyên qua cõi âm mà rất có thể ông đã được nghe trong quá trình thực địa truyền giáo: "Những người khác có phận sự trong nhà như gia trưởng thì vào cuối năm họ có thói dựng gần cửa nhà một cột dài vượt quá mái nhà, trên ngọn treo một cái giỏ hay một túi đục thủng nhiều lỗ và đựng đầy thứ tiền bằng giấy vàng giấy bạc. Họ… tưởng tượng là cha mẹ họ mất, vào cuối năm có thể bị túng thiếu và cần đến vàng hay bạc để trả nợ. Cũng còn một tục lệ khác là không một ai, từ người giàu sang tới kẻ nghèo khổ, khất nợ quá hạn năm mà họ đã vay mượn, trừ trường hợp không thể trả nổi mà thôi. Thật là đáng khen nếu họ làm không phải vì mê tín dị đoan như họ thường làm, vì sợ chủ nợ bực mình nên đem lời khiển trách động tới tổ tiên và tổ tiên oán thán con cháu và kẻ thừa kế".

Sợ tà ma hãm hại

Có một tập tục mà theo giáo sĩ Alexandre de Rhodes, tác giả của Phép giảng tám ngày, Hành trình và Truyền giáo, Tự vị Việt-Bồ-La cho là "dị đoan", xuất phát từ nỗi sợ tà ma xuất hiện trong thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới: "Có một tục lệ lâu đời nhưng kỳ dị còn giữ ở khắp xứ Đàng Ngoài, đó là những người già, cả nam cả nữ, vào cuối năm, họ sợ sệt trốn trong chùa như một nơi trú ẩn để tránh thế lực tà ma họ gọi là Võ Tuấn (…). Do đó những kẻ khốn đốn này trong ba hay bốn ngày cuối năm, họ đến trú trong nội địa chùa chiền, đêm ngày không dám ra cho mãi tới ngày mồng một tết mới trở về nhà, vì cho rằng quyền lực của tà ma hãm hại và là thù địch của người già đã chấm dứt".

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Tết đến thì lo nợ, sợ ma...- Ảnh 2.

Phố cổ Hà Nội ngày tết năm 1915

Léon Busy

Tập tục dựng cây nêu ngăn trừ tà khí xâm nhập vào nhà cửa là có, nhưng việc người ta "đến trú vào chùa chiền đêm ngày không dám ra mãi tới mùng một tết mới về nhà" thì có lẽ là một diễn dịch liên quan tới phong tục viếng chùa đêm giao thừa và nguyên đán chăng (!?).

Trong ghi chép của mình, từ góc nhìn một nhà truyền giáo, với truyền thống đức tin khác biệt, giáo sĩ Alexandre de Rhodes xem các tục thờ cúng của người Việt trong ba ngày đầu năm là dị đoan: "Tới ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái mê tín dị đoan trong ba ngày tết".

Tuy nhiên, cũng trong cuốn sách trên, ông đã thuật lại một lễ tịch điền (mở đất và cày ruộng) rất long trọng. Mồng 3, vua ngự trên ngai vàng lộng lẫy, có kiệu khiêng và đi giữa hàng ngũ quân, tướng, nhân sĩ qua kinh thành Kẻ Chợ trong sự nghênh tiếp, ca ngợi của thần dân. Lễ tịch điền được tiến hành ở một cánh đồng cách kinh thành một dặm: "Ngài (nhà vua) bước xuống ngai, rồi sau khi đọc lời khấn và long trọng bái Trời, ngài cầm cán cày được trang hoàng nhiều màu sắc và chạm trổ kỳ công, cày mấy phút và mở một luống trong thửa ruộng, để dạy cho dân biết cách làm việc, không nghỉ và chăm sóc đất ruộng" (chương 3, Người Đàng Ngoài tôn thờ vua của họ như thế nào?).

Tết truyền thống cuối thập niên 1620 trong ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes phản ánh được phần nào cảm thức của cư dân thuần nông VN trong xã hội phong kiến thời quá khứ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.