Thạc sĩ, kỹ sư, người có việc làm ổn định… có đi nghĩa vụ quân sự?

Thanh Nam
Thanh Nam
07/10/2023 09:21 GMT+7

Nhiều thắc mắc xoay quanh đến vấn đề nghĩa vụ quân sự được người trẻ đặt ra. Chẳng hạn như trường hợp đang là thạc sĩ, kỹ sư, làm công việc ổn định với mức lương cao thì có đi nghĩa vụ quân sự hay không?

Phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu…

Nguyễn Văn Tuấn (26 tuổi), đang là kỹ sư xây dựng, làm việc tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Mới đây, Tuấn phải về quê (tỉnh Ninh Bình - PV) để khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Tuấn chia sẻ: "Bấy lâu nay mình cứ tưởng khi đã có việc làm ổn định thì được miễn hoặc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự".

Trường hợp khác tương tự là Vũ Thanh Lương (25 tuổi), làm việc tại Tập đoàn AEON, TP.HCM. Lương cũng bất ngờ khi biết bản thân có tên trong danh sách công dân thuộc diện gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo Lương, có những người bạn đã là kỹ sư, đang làm việc với mức lương cao… cũng được gọi về quê (tỉnh Gia Lai) khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Trở lại câu hỏi: "Người trẻ đang là thạc sĩ, kỹ sư… có công việc ổn định với mức lương cao thì có phải đi nghĩa vụ quân sự hay không?", thiếu tá Vương Thanh Phong, công tác tại Trung đoàn 896, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau, trả lời: "Cần xem xét các yếu tố như: có còn nằm trong độ tuổi gọi nhập ngũ hay không? (từ 18 đến 25 tuổi, nếu công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi). Và có thuộc diện tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1, 2 Điều 41 luật Nghĩa vụ quân sự hay không?".

Theo thiếu tá Phong, nếu các kỹ sư, thạc sĩ… vẫn nằm trong độ tuổi gọi nhập ngũ và không thuộc diện tạm hoãn hay miễn gọi nhập ngũ thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Thạc sĩ, kỹ sư, người có việc làm ổn định… có phải đi nghĩa vụ quân sự? - Ảnh 1.

Công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ và không thuộc diện tạm hoãn hay miễn gọi nhập ngũ thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự

XUÂN LÂM

Được bố trí việc làm, bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ

Có ý kiến thắc mắc: "Những người có công việc ổn định nếu thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì sau khi xuất ngũ sẽ được hỗ trợ gì trong vấn đề tìm kiếm công việc mới?".

Thiếu tá Phong cho biết trong Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định rõ và chi tiết về chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ.

Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học thì được bảo lưu kết quả, tiếp nhận vào học ở những trường đó.

Còn trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Nếu hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội thì khi xuất ngũ, cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ. Trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp. Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.

Thạc sĩ, kỹ sư, người có việc làm ổn định… có phải đi nghĩa vụ quân sự? - Ảnh 2.

Các hạ sĩ quan, binh sĩ tại Tiểu đoàn 19 (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông)

XUÂN LÂM

Được ưu tiên sắp xếp việc làm, bảo đảm tiền lương tương xứng

Thiếu tá Phong thông tin thêm, với trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí và chế độ trước khi nhập ngũ.

Trong trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành. Và cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương (nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng bảo hiểm xã hội – PV) chịu trách nhiệm thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, hạ sĩ quan, binh sĩ được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức, các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được xếp lương theo công việc đảm nhiệm. Thời gian phục vụ tại ngũ được tính vào thời gian công tác và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ sở kinh tế đó.

Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, khi về địa phương sẽ được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức. Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.