Thách thức Asiad 18

11/11/2012 03:00 GMT+7

Ông Hoàng Vĩnh Giang (ảnh), Phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về những vấn đề được dư luận quan tâm xung quanh Asiad 18 do VN đăng cai năm 2019.

 
Ông Hoàng Vĩnh Giang (ảnh), Phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về những vấn đề được dư luận quan tâm xung quanh Asiad 18 do VN đăng cai năm 2019.

Thưa ông, thách thức nào được coi là nặng nề nhất khi lần đầu tiên chúng ta đăng cai đại hội thể thao lớn nhất châu lục?

Thách thức nặng nề nhất là cần sớm giải tỏa được tiềm thức tự ti dân tộc của một bộ phận nhỏ, đáng buồn là bao gồm cả một số cán bộ từng có đóng góp cho ngành TDTT. Tôi không dám liên hệ sự kiện đăng cai Asiad với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, nhưng chúng ta đã có những chiến tích lớn gấp vạn lần việc đăng cai Asiad 18.

Cần phải vượt qua rào cản về mặt tinh thần với những băn khoăn như: đăng cai không có ích lợi gì, 30 năm nữa mới nên đăng cai, nào là 150 triệu USD là quá lớn, nào là ngành TDTT hiện nay có đội ngũ cán bộ quá kém, đội ngũ VĐV làm sao có thể đạt được 10 HCV để lọt vào top 10 châu lục.

Cứ cho là những băn khoăn đó có xuất phát điểm chính đáng, rất vì dân vì nước nhưng tôi lại cho rằng nguyên nhân chính là chưa có sự cập nhật thông tin kịp thời. Ít người biết rằng ở thời điểm các phương tiện thông tin đăng tải 2 luồng suy nghĩ trái chiều nhau thì Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho VN vận động đăng cai, phê duyệt chiến lược phát triển TTVN đến năm 2020. Bộ Chính trị đã ra nghị quyết chỉ đạo việc đăng cai Asiad. Ngày 8.11 vừa qua, VN đã nhận được số phiếu áp đảo để trở thành quốc gia đăng cai Asiad  18.

Thách thức to lớn nữa cần phải vượt qua là ban tổ chức sẽ phải khẩn trương triển khai tiến độ chuẩn bị toàn diện để có thể đăng cai thành công.

Báo Thanh Niên đã đưa ra các ví dụ sinh động về Olympic London 2012, Olympic Los Angeles 1984 về việc BTC đã biết khai thác tối đa sự kiện thể thao này để kích thích nền kinh tế phát triển. Song bên cạnh đó, cũng đưa ra những bằng chứng về sự thua lỗ và bài học đắt giá của Hy Lạp ở Athens 2004. Để học tập Anh, Mỹ và tránh vết xe đổ như Hy Lạp, VN sẽ phải làm gì, thưa ông?

Việc đăng cai Asiad đã được VN tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Đề án đã hoàn toàn thuyết phục các bộ, ban, ngành để tư vấn cho chính phủ phê duyệt, đồng thời cũng hoàn toàn thuyết phục Hội đồng thể thao châu Á (OCA) cùng đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc đắt hay rẻ, tôi cho rằng là việc đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, thủ đô Hà Nội và đương nhiên là Chính phủ. Khi phê duyệt, Chính phủ đã cân nhắc kỹ việc đắt hay rẻ đối với nền kinh tế của VN ở thời điểm 7 năm sau.

Xét về góc độ thua lỗ của Hy Lạp hoặc một vài nơi nào đó, ở một vài khía cạnh thì đối với VN, ban soạn thảo đề án đã suy nghĩ đến nhiều yếu tố. Việc đăng cai lỗ hay lãi không phải là kết quả của một con tính trên máy tính. Ví dụ 150 triệu USD thu về được có 30 triệu, lỗ là 120 triệu. Tôi cho  rằng, nên tiếp cận vấn đề từ góc độ nhân văn hơn chứ không nên từ góc độ toán số học của lớp 5. Vì sao ư? TDTT mang lại sức khỏe cho mọi lứa tuổi, cho nguồn lực lao động của cả nước, sức khỏe là sức mạnh, sức lao động của những thế hệ tương lai cho đất nước. Sự kiện Asiad mang lại lợi ích cho việc quảng bá hình ảnh đất nước con người, thúc đẩy cho sự phát triển ngoại giao, kinh tế, đầu tư, du lịch. Đó là những cái lãi vô cùng to lớn. Lãi đó dùng tiền không mua được. Nó lớn hơn gấp nhiều lần cái lỗ 120 triệu kia.

Ngành thể thao sẽ có kế hoạch kết hợp với các bộ, ban ngành khác như thế nào để biến Asiad thành cơ hội phát triển du lịch, hàng không, khách sạn...?

Bản thân Asiad đã là một sự kiện không phải chỉ của riêng ngành TDTT, mà còn như động lực để nâng cấp các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Hải Phòng. Như vậy, Asiad sẽ được hưởng ưu thế về hàng không, ngành du lịch, qua đó sẽ thu hút gấp bội số khách đến tham dự cũng như kết hợp tìm hiểu đất nước con người VN. Các ngành khác nhau cũng nhờ Asiad có cơ hội củng cố, nâng cấp và hoàn thiện, nhất là khâu phối hợp mà 15 tiểu ban sẽ phải làm việc cật lực để chuẩn bị cho việc tổ chức đăng cai thành công như các tiểu ban lễ tân, an ninh, giao thông, văn hóa, tình nguyện viên, hậu cần…

 
7 năm nữa, liệu thể thao VN có được tài năng hay hơn Trần Lê Quốc Toàn?

 
Vovinam sẽ là môn được đưa vào chương trình thi đấu Asiad - Ảnh: Ngô Nguyễn - Lê Trí

Chúng ta sẽ sử dụng thế nào để 150 triệu USD tiền đầu tư tổ chức không bị lãng phí, có phương án nào để các công trình thể thao sau này không chỉ để phục vụ tập luyện thể thao đỉnh cao, quần chúng mà còn đem lại hiệu quả kinh tế?

Con số 150 triệu USD đối với một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thời điểm 2019, 2020 sẽ là con số tôi cho là không lớn. Đương nhiên, chúng tôi làm đề án cũng không để xảy ra sự lãng phí. 150 triệu USD chủ yếu dự trù cho các khâu lễ tân, khai mạc, bế mạc, khâu an ninh, khâu đảm bảo giao thông, khâu hậu cần đào tạo và bồi dưỡng tình nguyện viên, đấy là những chi phí không thể không dự trù. Còn kinh phí xây dựng những công trình mới chỉ khoảng hơn 60%.

Căn cứ sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thủ đô, Hà Nội đã có 245 ha dành cho khu liên hợp Asiad Hà Nội tại Xuân Trạch, Đông Anh. Những công trình như 1 cụm 13 sân tennis đủ tiêu chuẩn quốc tế, 1 cụm sân đua ngựa, sân bóng bầu dục, 1 sân hockey trên cỏ, 1 sân bóng chày, nâng cấp tại hồ Tây 1 kênh đua rowing và canoeing, làng VĐV, nhà thi đấu 1 vạn chỗ ngồi, 1 sân xe đạp lòng chảo… đều có kinh phí đầu tư rất thấp, mặt sân làm thật tốt, đủ yêu cầu của OCA, còn khán đài sẽ lắp ghép di động như Olympic London 2012. Các phòng chức năng sẽ được bố trí trong các lều bạt chất lượng cao, các bãi cỏ gần nhau sau khi Asiad kết thúc, dỡ bỏ các lều bạt và khán đài di động thì sẽ thành một trung tâm đào tạo bóng đá  quốc tế cho thủ đô với sự bỏ thêm vốn đầu tư của thành phố và liên kết với một CLB nổi tiếng của châu Âu hoặc Nam Mỹ. Như vậy vừa không lãng phí lại vừa nhìn xa trông rộng để phát triển môn thể thao vua theo hướng quốc tế hóa, chuyên nghiệp hóa.

Còn sân xe đạp lòng chảo sẽ được liên doanh cùng một tập đoàn của Hàn Quốc với sự đầu tư tổng kinh phí đến 450 triệu USD và làng VĐV được bố trí tại Đặng Xá II với sức chứa 11.000 người sẽ được xây dựng theo phương thức xã hội hóa với tổng số tiền ít nhất là 300 triệu USD. Trung tâm đua thuyền tại hồ Tây sẽ là công trình lắp ghép tạm thời kết hợp với Bộ Tư lệnh công binh để làm cầu phao cho các trọng tài làm nhiệm vụ trên một độ dài 2.200 m với kinh phí cực thấp. Xin nhắc lại, hiệu quả kinh tế mà số tiền 150 triệu USD mang lại không thể lượng hóa được bằng đáp số lỗ lãi.

VN sẽ đầu tư chiến lược phát triển lực lượng VĐV như thế nào để chuẩn bị cho Asiad 18, thưa ông?

Nhiều người, bao gồm cả các cán bộ thể thao đã nghỉ hưu, lo lắng, song là những người đang tham gia trực tiếp vào phong trào Olympic khu vực, châu lục và quốc tế, tham khảo các cán bộ của các liên đoàn, bộ môn để chấp bút đề án báo cáo Chính phủ, tôi lường trước được khả năng thể thao VN. Tất cả cho rằng ở Asiad Quảng Châu, VN chỉ có 1 HCV karate nhưng tôi lại nghĩ đến một yếu tố khác là năm 2010, VN có 18 nội dung lọt vào chung kết nên chỉ tiêu 10 HCV tại Asiad 18 2019 là rất khả thi và hoàn toàn trong tầm tay. Hãy đợi thành tích của đoàn TTVN tại Asiad 17 và Incheon 2014 ra sao. Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội đăng cai thì không đời nào Chính phủ để tình trạng sống chết mặc bay. Chắc chắn

Chính phủ sẽ phê duyệt cho Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, Hà Nội có sự tham gia của Ủy  ban Olympic một chương trình quốc gia đào tạo đội ngũ VĐV hùng mạnh để có được thành tích vẻ vang cho dân tộc.  

Lan Phương
(Thực hiện)

>> Chính phủ VN cam kết chuẩn bị chu đáo đăng cai ASIAD 18
>> Trình Chính phủ Đề án vận động đăng cai Asiad 18
>> VN tiến gần cơ hội đăng cai ASIAD 18
>> Việt Nam tiến gần tới cơ hội đăng cai ASIAD 18
>> Phấn đấu đoạt 4-6 HCV tại Asiad 18
>> Việt Nam quyết tâm đăng cai Asiad 18

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.