Đậu xe giữa đường gây ách tắc; khua chiêng gõ mõ chọc tức nhân viên trạm cân; dàn cảnh xe hỏng; nằm lì trên đường gây áp lực, dọa dẫm phóng viên tới tác nghiệp... Mới nhất tại Bình Thuận, giới tài xế thậm chí đốt lửa, la hét làm tê liệt cả QL1. Không ai có thể tưởng tượng nổi, những hành vi thách thức, chống đối pháp luật lại có thể diễn ra ngang nhiên và trắng trợn đến như vậy.
Dễ dàng nhận thấy, hành vi chống đối ngày càng nghiêm trọng hơn. Từ chỗ né đường, lợi dụng trời mưa để lách trạm thì nay, sự manh động của giới tài xế xe quá tải có thể nói, không khác gì một cuộc bạo loạn. Điều đáng nói là họ đang cố tình đẩy sự việc lên cao trào hòng tiếp tục duy trì cái sai, tiếp tục chở quá tải, cày nát đường sá và gây nguy hiểm cho giao thông nói chung. Vì thế, đây là lúc các cơ quan thực thi pháp luật phải khẳng định và thể hiện quyết tâm kiểm soát trọng tải xe đến cùng. Muốn vậy, phải có chế tài thật mạnh để các chủ xe sau không dám gây áp lực lên các cơ quan có thẩm quyền bằng nhiều chiêu trò như đã làm trong gần cả tháng qua kể từ khi áp dụng chủ trương kiểm soát trọng tải xe.
Các địa phương cần tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng cơ động tại các trạm cân để sẵn sàng đối phó với hành vi quậy phá của giới tài xế xe quá tải. Thực ra giải quyết tình trạng này không phải quá khó. Vấn đề là tất cả các cơ quan, các địa phương, các vị lãnh đạo có thẩm quyền có đồng lòng, quyết tâm thực hiện hay không mà thôi. Chẳng hạn, với các tài xế gây rối, trước mắt có thể tước giấy phép lái xe. Những người có hành động quá khích, có thể quy vào tội gây rối trật tự để xử lý. Nhưng giải quyết vấn đề tài xế, mới chỉ là cái ngọn. Bởi tài xế cũng chỉ thừa hành nhiệm vụ và nhận chỉ đạo từ công ty. Để xe chở quá tải, trách nhiệm của các đơn vị này như thế nào, cần được làm rõ và xử lý nghiêm. Phải làm tận gốc, thật nghiêm để răn đe và ngăn chặn các hành vi coi thường kỷ cương, phép nước đang diễn ra ở nhiều địa phương hiện nay.
Nếu chỗ này, chỗ khác lo ngại giá cước tăng và người dân phải gánh trên giá thành hàng hóa thì nên nhớ, chi phí này chẳng thấm gì so với số tiền mà ngân sách phải bỏ ra để làm, sửa đường. Đó cũng là tiền từ túi mỗi người dân đóng thuế. Nếu chúng ta "chặc lưỡi" trước cảnh xe ùn ứ trên quốc lộ, phía sau đó rất có thể là những mạng người phải chết oan vì tai nạn giao thông. Nếu chúng ta nhân nhượng trước các hành vi coi thường pháp luật của nhiều tài xế chở quá tải đang cố tình gây rối, một chính sách đúng đắn sẽ phá sản.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)