Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra đời vào 2015. Các nhà đầu tư Thái Lan xem đây là cơ hội để thâm nhập sâu vào khu vực, đặc biệt là Việt Nam, một thị trường đang phát triển đầy tiềm năng và là bàn đạp cho các thị trường khác.
Đón đầu cơ hội
Mặc dù là công ty sản xuất đồ hộp, xúc xích lớn nhất Thái Lan với 25 năm hoạt động nhưng S Khon Kaen chưa có nhà máy nào ở các nước khác thuộc ASEAN. Ông Charoen Rujirasopon, Tổng giám đốc S Khon Kaen, cho biết mở rộng đầu tư ra nước ngoài là mục tiêu trọng tâm của công ty để đón cơ hội AEC và Việt Nam là nơi S Khon Kaen thực hiện kế hoạch này. Bởi VN không chỉ là nơi có nguồn nguyên liệu công ty cần mà còn là thị trường tiêu thụ tiềm năng vì các sản phẩm của công ty có khẩu vị đáp ứng nhu cầu của người Thái, người Việt và Hoa.
|
Công ty Royal Foods, sản xuất thực phẩm và trái cây đóng hộp hàng đầu của Thái Lan, cũng đã quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam với kế hoạch xây dựng nhà máy thứ 2 trị giá 600 triệu baht (420 tỉ đồng) vào tháng 8.2012 ở Vinh, Nghệ An. Nhà máy đầu tiên của Royal Foods ở Tiền Giang (từ 2007) có công suất 200 tấn sản phẩm/ngày phục vụ thị trường miền Nam, còn nhà máy thứ 2 dự kiến hoạt động vào tháng 11.2013 có công suất 100 tấn sản phẩm/ngày sẽ nhắm vào miền Trung và miền Bắc. Royal Foods tin rằng khi AEC ra đời, các nhà máy này đã sẵn sàng và giúp công ty tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Có lẽ Berli Jucker Public Company (BJC) là một trong những công ty Thái Lan nhanh chân nhất trong việc hướng đến cơ hội từ AEC. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2012, BJC cho khai trương 2 nhà máy tại Việt Nam. Một nhà máy sản xuất chai thủy tinh dùng cho sản phẩm bia, nước giải khát, liên doanh với SABECO đã bắt đầu hoạt động hồi đầu tháng 2 ở Bà Rịa - Vũng Tàu và một nhà máy lon nhôm liên doanh với một đối tác của Mỹ đang trong giai đoạn lắp đặt, chạy thử và sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 5.2012 tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.
Xác lập vị trí
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Aswin Techajareonvikul, chủ tịch BJC, nhận xét Việt Nam là thị trường rất tiềm năng trong ASEAN và những nhà máy này không chỉ là nền tảng để tăng trưởng tại thị trường Việt Nam mà còn mở rộng sang các thị trường xung quanh. Cũng theo ông Aswin, nhiều tập đoàn lớn ở Thái Lan và BJC chuẩn bị cho AEC từ chục năm nay. AEC cho phép tự do đầu tư, thương mại và lưu chuyển hàng hóa vì vậy đặt nhà máy ở Việt Nam có lợi về mặt chi phí, nhất là nhân công. Sản phẩm sản xuất từ Việt Nam sẽ được chuyển qua thị trường khác hoặc trở về Thái Lan. Không chỉ dừng lại ở đầu tư, BJC còn đẩy mạnh lĩnh vực thương mại thông qua Thai Corp (công ty con của BJC ở Việt Nam) để đưa những mặt hàng khác từ Thái Lan vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan, cho biết đầu tư của Thái Lan có sự chuyển dịch thường xuyên từ trong nước ra nước ngoài nhằm giảm bớt rủi ro cũng như tìm kiếm cơ hội tốt hơn. “AEC sẽ làm cho sự chuyển dịch này nhanh hơn. Việt Nam và một số nước đang phát triển trong khu vực sẽ là nơi sự chuyển dịch này hướng đến. Tôi cho rằng đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam trong vài năm tới sẽ tăng mạnh nhờ AEC”, ông Hưng nhận định. Ông Hưng cho biết thêm dòng đầu tư đó đang được sự ủng hộ từ các ngân hàng Thái Lan. Các ngân hàng như Kasikorn và Krung Thai có kế hoạch vào Việt Nam cùng với các nhà đầu tư.
Năm 2015, ASEAN sẽ thống nhất thành một thị trường với 600 triệu người tiêu thụ và có tốc độ tăng trưởng được so sánh không quá khiêm tốn so với khối các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
Bình luận (0)