Kể với Thanh Niên, một du khách Việt Nam là anh T. cho biết mình suýt bị phạt 500 baht (350.000 đồng) vì tội vứt rác bừa bãi tại Thái Lan. Tuy nhiên, nhờ biết cách “thương lượng” nên anh được cảnh sát du lịch nước này đồng ý giảm mức phạt còn 200 baht với điều kiện không ghi biên bản để bỏ túi riêng. Thực tế, nhiều cảnh sát Thái Lan nhận tiền của những người vi phạm giao thông, người bán rong, quán bar trái quy định, lao động bất hợp pháp… Dần dần, người Thái xem đó là bình thường.
Trung tâm ABAC của Trường Assumption University của Thái Lan đưa ra một cuộc khảo sát khá bất ngờ. Đó là 63,4% người được hỏi cho là tham nhũng chẳng phải vấn đề lớn nếu như giới chức tham nhũng có làm lợi cho đất nước. Tuy nhiên, tiến sĩ Sungsidh Pirivaragsan, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cải tiến xã hội thuộc Đại học Rangsit, nhận định với Thanh Niên rằng: “Chính suy nghĩ này làm tệ tham nhũng ở Thái Lan không bị đẩy lùi mà còn nghiêm trọng hơn”.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phongsak Assukul, Chủ tịch Vụ Thương mại thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết tham nhũng đang là gánh nặng cho doanh nghiệp và gánh nặng đó tăng lên mỗi năm. Giới doanh nghiệp ở Thái Lan phải tốn 30% trong tổng chi tiêu để “bôi trơn”, con số này tăng quá nhanh so với mức 5-10% cách đây 10 năm. Theo đó, chi phí bôi trơn chiếm khoảng 2,18 - 2,54% GDP của Thái Lan, tương đương 250 - 300 tỉ baht (khoảng 180.000 - 210.000 tỉ đồng).
Quyết tâm của chính phủ
|
Trước thực trạng trên, chính phủ đảng Puea Thai bị chỉ trích là chưa làm gì tích cực để chống tham nhũng. Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Thái Lan cho thấy người dân chỉ chấm 4,99/10 điểm về công tác chống tham nhũng của chính phủ sau một năm cầm quyền. Trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng quốc tế CPI hồi năm ngoái, Thái Lan đứng ở hạng thứ 80, trong số 178 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt hai bậc so với năm 2010. Vì thế, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phát động chiến dịch quốc gia chống tham nhũng mang tên “Stop Corruption” và kêu gọi người dân ủng hộ điều này. Thủ tướng Yingluck vừa đăng đàn kêu gọi người dân giúp đỡ, bà nói: “Chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ sẽ không thành công nếu không có sự giúp đỡ của người dân và khi tham nhũng hoành hành không còn ai muốn đến với chúng ta và kinh tế Thái Lan sẽ thụt lùi”.
Để làm điều này, chính phủ Thái Lan khởi động các hệ thống kênh để người dân liên lạc tố cáo tham nhũng gồm tổng đài 1206, trang mạng Facebook và Twitter. Đặc biệt chính phủ cho lắp đặt 181 máy báo tham nhũng trên 77 tỉnh thành của cả nước. Máy sẽ quét thẻ chứng minh nhân dân (điện tử) của người dân để xác nhận danh tính rồi tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng. Cả 3 hệ thống nhận thông tin để chuyển về cho cơ quan phụ trách tham nhũng quốc gia hoặc các tỉnh, thành, bộ ngành xử lý. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không phản hồi cho người dân về kết quả xử lý thông tin tố cáo, để giữ kín cho đến khi tòa án xét xử các vụ tham nhũng.
Chính phủ Thái Lan khuyến khích thành lập các tổ chức xã hội và doanh nghiệp giám sát tham nhũng. Kèm theo đó là các hình phạt nặng dành cho những ai vi phạm. Hồi tháng 7, Chủ tịch thượng viện Thái Lan Thiradet Meephian bị tuyên phạt 2 năm tù vì tội tự nâng lương cho bản thân. Thủ tướng Yingluck đặt mục tiêu đẩy lùi tệ nạn này trong nhiệm kỳ của bà. Tuy nhiên tiến sĩ Sungsidh nhận định đây là mục tiêu quá sức đối với bà Yingluck. Theo ông, nhiều vụ bê bối liên quan đến các dự án, chương trình lớn của chính phủ như trợ giá gạo, đền bù lũ lụt, trang bị máy laptop cho học sinh tiểu học… vẫn chưa bị xét xử. Tiến sĩ Sungsidh nhận định rằng: “Cần có những tổ chức chống tham nhũng độc lập với chính phủ”.
Minh Quang
(VP Bangkok)
>> Thái Lan lập kỷ lục thế giới về mát xa tập thể
>> Thái Lan trang bị trực thăng Eurocopter
>> Tìm hiểu đầu tư ở Thái Lan
>> Tàu cao tốc chìm ở Thái Lan, 41 du khách hú hồn
Bình luận (0)