Một cơn hỗn loạn xuất phát từ tiếng còi sai lầm của trọng tài trong trận Peru - Argentina ở vòng loại giải bóng đá Olympic 1964, tại Lima (Peru) ngày 24.5.1964 đã khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Cảnh hỗn loạn trong trận Peru - Argentina tại Peru năm 1964 - Ảnh: AFP
|
Do còn phải gặp đối thủ mạnh Brazil ở loạt trận chót của vòng loại nên Peru chưa thể yên tâm dù đang tạm giữ chiếc vé thứ hai dự Olympic ở khu vực Nam Mỹ. Họ cần thủ hòa Argentina tại sân nhà. Sức chứa 53.000 chỗ của sân Estadio Nacional tại Lima đạt ngưỡng tối đa. Nói cách khác, cứ 20 người dân ở thủ đô Peru thì có một người đến sân trong ngày hôm ấy.
Đội khách Argentina dẫn 1-0, đến khi trận đấu chỉ còn 6 phút thì xuất hiện pha bóng lẽ ra phải là bàn gỡ 1-1 cho đội chủ nhà Peru. Hậu vệ Argentina phá bóng giải vây, gần như cùng lúc với việc đưa chân ra chắn bóng của cầu thủ Peru Victor Kilo Lobaton.
Bóng đi trúng chân Lobaton rồi bật vào lưới Argentina. Thay vì bắt bóng, thủ môn Agustin Cejas chỉ lo khiếu nại với trọng tài rằng Lobaton đã phạm lỗi. Thật ra, Lobaton hoàn toàn không động vào hậu vệ Argentina. Nhưng dù có va chạm đi nữa thì đấy bất quá chỉ là tình huống 5-5, chẳng ai có lỗi. Thật bất ngờ khi trọng tài người Uruguay Eduardo Angel Pazos quyết định phủ nhận bàn thắng.
Khán giả Peru điên tiết phản đối. Một người tên là Bomba chạy luôn vào sân, có vẻ như để tấn công trọng tài. Anh ta bị cảnh sát chặn đứng. Ngay sau đó, một khán giả khác tên là Edilberto Cuenca cũng xông vào sân. Kỳ này thì... ốm đòn. Không chỉ hứng lấy những tràng dùi cui, Cuenca còn bị cảnh sát quẳng ra khỏi sân “như quẳng heo”. Chó của cảnh sát sau đó xông đến tấn công Cuenca.
Đấy là “giọt nước tràn ly”. Không chấp nhận được thái độ của cảnh sát, khán giả đồng loạt ném xuống sân bất cứ vật gì có được về phía cảnh sát. Có gần cả ngàn người chực chờ tràn xuống sân cùng lúc. Thế là cảnh sát nã đạn hơi cay về phía khán đài, gây nên một sự hỗn loạn chưa từng thấy.
Huyền thoại bóng đá Peru Hector Chumbitaz, với hơn 100 lần khoác áo đội tuyển quốc gia và 2 lần mang băng thủ quân ở đấu trường World Cup, cũng có mặt trong trận đấu không khoan nhượng ấy. Ông kể lại hai điều. Thứ nhất, trọng tài Pazos đã làm khán giả Peru tức giận vì rất nhiều tình huống sai lầm trước khi ông ta phủ nhận bàn thắng của Lobaton. Thứ hai, tuy mọi chuyện bắt đầu từ những tiếng còi kỳ lạ của trọng tài, nhưng theo Chumbitaz thì chính thái độ thẳng tay của cảnh sát mới là nguyên nhân lớn nhất khiến khán giả tràn xuống sân và ném mọi đồ vật về phía cảnh sát. Ông xác nhận hành động thả chó tấn công Cuenca của cảnh sát: “Tôi không biết mục đích thật sự của cảnh sát là gì, cũng không rõ Cuenca có bị thương tích gì không. Nhưng trong thoáng chốc, tôi đã thấy rõ quần áo của anh ta rách bươm trước mõm của những con chó hung dữ”.
Cũng như nhiều thảm họa sân bãi khác, khán giả Lima chết vì giẫm đạp lên nhau trong cơn hỗn loạn, nhất là những người chạy vào hành lang dẫn đến lối ra trong khi lối ra đã bị khóa chặt.
Riêng trong vụ này, còn có rất nhiều người chết vì ngạt thở. Con số chính thức là 328 nạn nhân, nhưng đấy vẫn chưa phải là hậu quả cuối cùng. Phần lớn khán giả sau khi thoát được ra khỏi sân bóng liền kết thành từng nhóm và tấn công cảnh sát trên đường phố.
CĐV Jose Salas nói thêm sau khi kể rõ thái độ “không thể chấp nhận” của cảnh sát trong sân: “Chỗ tồi tệ của thảm họa Estadio Nacional là nó còn kích động bạo lực bên ngoài. Tiếng súng vang rền khắp nơi và chúng tôi không thể phân biệt đâu là tiếng đạn thật, đâu là đạn hơn cay. Số nạn nhân được công bố trong thảm họa này chỉ là số người chết vì hỗn loạn và hít hơi cay trong sân. Chưa thấy ai công bố về số người chết trong những cuộc bạo động trên đường phố ngày hôm ấy”.
Viên sĩ quan cảnh sát ra lệnh bắn đạn hơi cay lên khán đài, Jorge Azambuja, về sau chỉ bị kết án 30 tháng tù. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng không có nhiều nỗ lực từ phía chính phủ Peru để đưa toàn bộ câu chuyện bi thảm này ra ánh sáng.
Bình luận (0)