Thăm khu tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố Boston

08/05/2013 09:00 GMT+7

(TNO) Không có tour du lịch nào đưa khách đến nỗi buồn nhưng ở Mỹ, du khách vẫn dành thời gian đến Boston, nơi tràn ngập nỗi buồn đau, hậu quả của vụ khủng bố.

Tiếng kèn Harmonica buồn bã thổi khúc tiễn đưa khi cô gái người Mỹ thắp thêm một ngọn nến. Quảng trường Copley ở Boston (Mỹ) những ngày này chìm trong không khí u ám, trái ngược với những dòng xe cộ chộn rộn ngay bên đường. Ai cũng cố nén dòng nước mắt xót xa cho bốn nạn nhân đã ra đi trong thảm kịch tại cuộc đua marathon hồi tháng 4.2013.

Thảm kịch Boston

Hơn nửa tháng đã trôi qua kể từ vụ đánh bom nhằm vào cuộc thi chạy marathon tại Boston nhưng những chậu hoa uất kim hương, mẫu đơn vẫn ngày ngày được gửi đến góc đường Boylston và Dartmouth. Không có một tượng đài nào, chỉ có những rào chắn dựng tạm bợ, bốn cây thập tự gắn tên người tử nạn trong thảm kịch, nến, hoa, thư, tin nhắn, cờ và cả những đôi giày treo kín rào chắn… cùng "hợp ca" trong một khúc nhạc buồn giữa ngày xuân đầy nắng.

Du lịch nỗi buồn ở Mỹ 1
Hoa, gấu bông, nến và những bức thư ngày ngày vẫn được gửi đến quảng trường Copley để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng

Tammy Straccia, một phụ nữ Boston để lại nơi này lời nhắn: “Chúng tôi vẫn chưa thể tin điều gì đã thực sự xảy ra. Họ (những người đã thiệt mạng - PV) sẽ không bao giờ bị quên lãng và nỗi buồn sẽ luôn luôn ở mãi trong trái tim chúng tôi”.

“Boston strong” (Boston mạnh mẽ) là thông điệp xuất hiện nhiều nhất trong quãng thời gian này. Trên bảng điện tử hiển thị của xe buýt, dưới ga tàu điện ngầm, thậm chí những chiếc áo thun “Boston strong” cũng được bán khắp nơi. Du khách đến Boston không chỉ nghe được những câu chuyện từ con đường Tự do mà còn sống trong không khí của những ngày đặc biệt.

Copley những ngày này ngập trong sầu muộn. Người đến đây vội vàng đặt một cành hoa, kẻ ở đây hàng giờ để lau nước mắt. Người ta thấy đủ mọi màu da, lứa tuổi đến từ bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ, đâu đó cả châu u và châu Á. Khách viếng thăm thành phố cổ kính Boston vẫn dành một chút thời gian trong lịch trình kín đặc để tưởng niệm những người đã ra đi trong thảm kịch đẫm máu dù không có tour nào dẫn khách đến đây, không ai phải trả tiền để sẻ chia nỗi đau này.

Du lịch nỗi buồn ở Mỹ 2
Hàng trăm đôi giày của các vận động viên chạy trong cuộc thi marathon được treo trên các rào chắn

Du lịch nỗi buồn ở Mỹ 3
Một thông điệp gửi từ Thổ Nhĩ Kỳ “Istanbul sát cánh cùng Boston"

Du lịch nỗi buồn ở Mỹ 4
“Boston mạnh mẽ”, “Chúng tôi tin tưởng Boston”

Nỗi buồn âm ỉ

Đứng giữa quảng trường Copley đầy nắng, tiếng thác đổ ở New York lại vọng về trong tôi từ xa mấy trăm dặm đường. Cuộc tấn công khủng bố 11.9.2001 mãi mãi để lại giữa đô thị đông nhất nước Mỹ hai hố đen sâu thẳm khắc vào tâm trí người Mỹ nỗi buồn không bao giờ quên.

Không có bất cứ cao ốc nào mọc lên sau đó trên nền của Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center), thay vào đó là hai thác nước nhân tạo lớn chảy liên tục xuống những hố đen nhiều tầng, nơi tòa tháp đôi cao nhất New York đã sụp đổ 12 năm trước.

Du lịch nỗi buồn ở Mỹ 5
Một trong hai hồ nước được xây trên chính vị trí mà Trung tâm thương mại thế giới đã sụp đổ trong sự kiện 11.9.2001

Du lịch nỗi buồn ở Mỹ 6
Tên của một vài trong số hàng ngàn nạn nhân tử nạn trong sự kiện 11.9

3.000 cái tên được khắc trên thành kim loại của hai bể nước khổng lồ gợi nhớ sâu sắc về những mất mát đớn đau của hàng ngàn người đã thiệt mạng trong thảm kịch 11.9 tại Trung tâm thương mại thế giới, Lầu Năm Góc cũng như khu vực xung quanh.

Người dân Mỹ, khách du lịch luôn được nhắc nhở cần giữ sự tôn trọng với những người đã nằm xuống trên suốt quãng đường đi vào. Khoảng rộng hơn 6 ha của khu tưởng niệm 11.9 được bao bọc sát sao bởi hàng trăm tòa nhà chọc trời, trong đó có One World Trade Center, công trình sẽ trở thành tòa tháp cao nhất nước Mỹ và cao thứ ba trên thế giới.

Dù những hố đen sâu hun hút mãi mãi nhắc về một chương buồn trong lịch sử nước Mỹ, nhưng những mầm xuân đang nhú lên giữa hàng trăm cây xanh ở quảng trường gợi lên niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Đến quảng trường Copley, Boston: Đi tàu điện ngầm line xanh lá cây, dừng ở trạm Copley. Quảng trường tưởng niệm nằm đối diện lối ra của ga tàu. Ngoài ra, xung quanh khu vực này, khách du lịch có thể kết hợp tham quan nhà thờ cổ Trinity, thư viện công cộng Boston hoặc ngắm thành phố từ đài quan sát Top of the Hub, nằm ở tầng 50 tòa nhà Prudential.

Đến quảng trường tưởng niệm 11.9, New York: Đi tàu điện ngầm line A, C, J, Z, 2, 3, 4, hoặc 5 đến đường Fulton, sau đó đi bộ đến Greenwich. Ngoài ra, các chuyến xe buýt M5, M20, M22 cũng dừng gần cổng vào khu tưởng niệm.

Quảng trường tưởng niệm 11.9 nằm ở hạ Manhattan, nơi có rất nhiều các điểm tham quan khác như: Phố Wall, Sở giao dịch chứng khoán New York, Tòa thị chính, Nhà thờ St. Paul, Nhà thờ Trinity. Khách du lịch cũng có thể đi bộ đến công viên Battery để đón phà thăm tượng Nữ thần Tự do.

Bài ảnh: Đinh Hằng

>> Vụ đánh bom Boston: Chuyển hướng điều tra vợ nghi phạm
>> Tiết lộ động trời của nghi phạm đánh bom Boston
>> Vụ đánh bom Boston: 3 bạn học của nghi phạm cố tình hủy chứng cứ
>> Bắt thêm 3 nghi phạm vụ đánh bom Boston
>> Nghi phạm đánh bom Boston “tẩy não” bạn gái cũ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.