Thầm lặng với nghề

20/11/2014 09:05 GMT+7

Tiếp chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hoa Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quang liền đóng vội cánh cửa sổ phía sau cửa phòng, vừa cười vừa bảo: “Sợ mọi người không quen, chịu không nổi mùi hôi sẽ... choáng đấy!”. Quả thật, mùi hôi dù đã ngăn qua vài lớp cửa, vẫn rất khó chịu. “Trời này còn đỡ, hôm nào mưa xong mà nắng lên, là không chịu nổi đâu. Những ngày ấy giáo viên, học trò vừa dạy-học, vừa bịt mũi”, cô Mai ngượng nghịu chia sẻ với khách. Dù vậy, gần 40 cán bộ công nhân viên, giáo viên của trường hàng chục năm qua vẫn luôn tận tâm, gắn bó với nghề nghiệp của mình.

Giáo viên Trường TH Trần Quang giàu tâm huyết, luôn chia sẻ với những học sinh còn lắm khó khăn của mình - Ảnh: D.H

Không chỉ làm việc trong môi trường ô nhiễm, những giáo viên gắn bó với ngôi trường này thực sự phải là những người yêu nghề giáo. Trường có 643 học sinh, đa phần đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Gia đình các em chủ yếu sống bằng nghề nhặt rác trong bãi rác Khánh Sơn, hoặc đi làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ... “Nhiều gia đình các em rất thương, hoàn cảnh cha mẹ không có, phải sống dựa vào gia đình ông bà đã rất già.

Do phải làm lụng nuôi cháu nên không có thời gian chăm sóc, các em tự lo đi học, tự lo cho bản thân mình. Với những trường hợp như vậy, các cô giáo chủ nhiệm hầu hết đều rất quan tâm. Nhiều giáo viên bỏ thời gian để kềm cặp các em miễn phí, đưa đón các em về tận nơi bởi nhiều em phải đi bộ cả chục cây số để đến trường”, cô giáo Nguyễn Thị Thoan, Tổng phụ trách đội Trường TH Trần Quang nói trong xúc động.

“Nhiều gia đình do quá nghèo, nên coi chuyện học của con là không quan trọng bằng chuyện kiếm tiền để mưu sinh hằng ngày, nên khi giáo viên đến thì nhăn nhó, khó chịu. Giáo viên phải dùng lời lẽ, tình cảm để khuyên nhủ. Thậm chí hứa sẽ giúp đỡ về mặt học tập, sách vở... thì phụ huynh mới chịu động viên con đến trường”, cô giáo Mai kể. “Có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên khi làm giáo viên chủ nhiệm ở ngôi trường này. Đó là câu chuyện của cậu học trò trong lớp tôi chủ nhiệm năm lớp 2. Tôi hoàn toàn không biết hoàn cảnh của gia đình em ấy, bởi tất cả các khoản trong lớp em ấy đều tham gia rất đầy đủ. Một lần em ấy bị ốm, tôi chở em ấy về nhà, và khi bước vào nhà, tôi không hình dung đó là cái nhà. Cửa sổ, cửa chính không có, tài sản quý giá nhất của nhà em ấy là cái tivi nhấp nháy không rõ hình. Vỡ ra, tôi quan tâm đến em nhiều hơn. Mọi chế độ dành cho học sinh nghèo tôi đều đưa em ấy vào danh sách. Đó cũng là bài học dành cho tôi về sự quan tâm đối với học sinh”, cô giáo Trần Thị Ngọc Lan, 7 năm gắn bó với trường chia sẻ.

“Những nơi khác giáo viên tiểu học có thể dạy thêm để cải thiện đời sống, nhưng ở trường này thì giáo viên không có được điều kiện đó. Những ngày lễ như 20.10, 20.11, ở những ngôi trường khác của Đà Nẵng, giáo viên nhận được hoa từ học trò của mình, nhưng đối với giáo viên của Trường TH Trần Quang thì không có một đóa hoa nào, bởi các em học sinh đều rất khó khăn. Đôi khi tôi thấy giáo viên của mình rất thiệt thòi...”, cô Mai ngậm ngùi...

Diệu Hiền

>> Nghề giáo - Bao người quên, mấy người nhớ: Những món quà 30 năm
>> Nghề giáo - Bao người quên, mấy người nhớ: Cô, trò cùng ghi điểm
>> Nước mắt rơi trong buổi tọa đàm về nghề giáo
>> Chọn nghề giáo là chấp nhận hi sinh
>> Khúc trần tình nghề giáo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.