(iHay) Nằm lọt thỏm giữa hàng chục những ngôi nhà hiện đại, nhưng nhà cổ ở số 104 Thái Phiên, Hội An, Quảng Nam vẫn nổi bật bởi nét thâm trầm, cổ kính.
Chiếc cổng tam quan của ngôi nhà cổ ở số 104 Thái Phiên
|
Mái ngói âm dương, những chạm khắc tinh xảo khiến ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 250 năm thu hút du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không gian trong nhà dường như tách biệt hẳn với đời sống hiện đại bên ngoài nên khi bước chân vào, người ta sẽ có cảm giác ấm cúng lạ thường.
Dấu ấn Việt của hàng trăm năm về trước vẫn được giữ vẹn nguyên với kiến trúc gỗ, nền nhà lát gạch bát tràng. Qua thời gian, màu gạch càng đỏ hơn nhờ bàn tay chăm chút của chủ nhân ngôi nhà. Gian phòng khách ngoài bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn thì điểm nhấn lớn nhất chính là chiếc sập gụ cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Sập được chạm trổ bốn chân là bốn đầu voi phủ phục với nhiều họa tiết hoa lá, rồng phượng vừa thể hiện nét sang trọng, uy quyền.
Đón tiếp chúng tôi, anh Võ Đức Hồng chủ nhà dẫn khách đi tham quan từng khu của ngôi nhà cổ này. Tổng thể ngôi nhà có đến 4 căn riêng biệt. Ngôi nhà phía tây có 3 gian, hai chái trong khi nhà phía đông chỉ có 3 gian. Nhưng, điểm chung của ngôi nhà là toàn bộ đều được làm bằng gỗ, hầu như chưa phải tu sửa gì nhiều.
Trải qua hàng trăm năm, những cột nhà bóng loáng được đặt trên những tảng đá hình tròn vừa chống mối mọt, vừa tạo mỹ quan đẹp mắt. Nếu ngước mắt nhìn lên sẽ thấy mỗi thân gỗ, cột, kèo lại được đục đẽo những họa tiết, hoa văn khác nhau: khi thì những họa tiết hoa lá, lúc lại là những vân mây... Mỗi họa tiết đều mang những ý nghĩa khác nhau. Trong nhà còn có rất nhiều những chiếc tủ bằng gỗ cũng được đục đẽo hoa văn kỳ công. Tất cả đều là những tác phẩm của các nghệ nhân làng nghề mộc Kim Bồng. Trên tường là những bức thư pháp cổ với nét bút tinh xảo, bay bổng.
Ấn tượng nhất trong ngôi nhà chính là khu vực gian phía Đông nơi trưng bày và bày bán những sản phẩm thủ công truyền thống của chính gia đình. Theo anh Võ Đức Hồng, trước đây gia đình có đến 3 nghề gồm: làm mộc, làm bạc và làm đèn lồng. Nghề làm bạc và đèn lồng đã có 8 đời, hiện vẫn được lưu giữ. Trong nhà, còn chiếc bàn làm bạc thủ công với những vật dụng nho nhỏ do chính tay anh Hồng là người làm.
Những chiếc nhẫn, bông tai, dây chuyền... như được thổi hồn từ bàn tay của người thợ tài hoa. Theo như anh Hồng kể thì nghề mộc của gia đình giờ đã thất truyền vì không có người nối dõi. Do đó, trong nhà khu vực trưng bày những chiếc đục, bào, thước dây... giờ chỉ còn là hoài niệm. Anh cũng lo ngại nghề làm bạc và đèn lồng sau này cũng rơi vào tình trạng đó vì các con anh không ai nối nghiệp bố.
Trong ngôi nhà ấm cúng, anh Hồng còn cho chúng tôi xem rất nhiều cuốn sổ lưu bút có những dòng ký tặng của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới: Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Nhật, Ý... Không như nhiều nhà cổ ở Hội An, nhà 104 Thái Phiên hoàn toàn mở cửa miễn phí cho du khách tham quan tìm hiểu. Cũng bởi nét độc đáo đó mà nhà cổ này hiếm khi nào vắng bóng khách.
Dàn đèn lồng đỏ được treo ngay chính gian giữa ngôi nhà tiếp khách
|
Chiếc sập gụ với họa tiết tứ voi phủ phục ở 4 chân
|
Nếp nhà cổ vẫn giữ được vẻ vẹn nguyên sau hơn 250 năm
|
Ngói âm dương nhuốm màu thời gian
|
Chiếc đèn tường được làm bằng gốm hình chiếc quạt lạ mắt
|
Chiếc chõng tre dùng trong đời sống sinh hoạt, hài hòa với kiến trúc ngôi nhà
|
Bộ đồ nghề mộc giờ chỉ còn là hoài niệm của gia chủ
|
Bàn và máy làm bạc thủ công
|
Đèn lồng và các sản phẩm bằng bạc do gia đình làm được bày biện trang trọng
|
Những sản phẩm bằng bạc tinh xảo do chính tay anh Hồng làm ra
|
Khách đến nhà cổ 104 Thái Phiên luôn thích thú chọn cho mình những món đồ ưng ý
|
Cánh cửa gỗ với thiết kế thượng song hạ bản độc đáo
|
Phần trần nhà với những cột, kèo được chạm khắc tinh xảo
|
Những bức tường rêu phong, cây phủ xanh kín
|
Họa tiết trên những cột gỗ vẫn vẹn nguyên theo thời gian
|
Những cột gỗ tròn bóng loáng, những chiếc tủ gỗ nhỏ hài hòa
|
Anh Võ Đức Hồng chủ nhà hào hứng giới thiệu về ngôi nhà cổ của mình
|
Bài và ảnh: Đào Minh
>> Bình yên bên nhà thờ 100 năm tuổi ở Đà Nẵng
>> Hẹn hò với mùa thu ở Ba Vì
>> Thăm mộ cha con Trương Minh Giảng ở Sài Gòn
Bình luận (0)