Sao không đóng cửa?
Ngày 6.11, đoàn Thanh tra của Sở Y tế TP.HCM đến kiểm tra tại phòng khám đông y An Khang, số 627B Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM - nơi có người Trung Quốc trực tiếp khám bệnh, kê toa. Tại đây sai phạm rất nhiều, nhất là đã từng sai phạm nghiêm trọng hai lần trước (một lần bị phạt 20 triệu đồng năm 2008, và một lần bị phạt 9 triệu đồng mới gần đây), nhưng phòng khám An Khang vẫn cố tình không khắc phục sai phạm. Đáng nói, tại thời điểm kiểm tra hai người trực tiếp khám bệnh, kê toa gồm một “bác sĩ” Trung Quốc không có bất cứ giấy tờ nào về giấy phép hành nghề, về bằng cấp chuyên môn, và một lương y trong nước cũng không có giấy phép hành nghề; thuốc thì không nhãn mác, không rõ nguồn gốc; thuốc nước sang chiết ra những hũä nhựa y như nước màu kho cá; kê toa thì toàn chữ Trung Quốc; khi “bác sĩ” Trung Quốc bỏ trốn thì các nhân viên cãi “tay đôi” với đoàn kiểm tra. Người đứng tên phụ trách chuyên môn là ông Nguyễn Văn Út (thực chất ông Út chỉ là người cho thuê bằng cấp, còn mọi hoạt động, bán thuốc tại phòng khám đều do một người Trung Quốc điều hành - ông Út đã thừa nhận với đoàn kiểm tra) được mời đến làm việc, thì trả lời câu hỏi “tại sao sai phạm nhiều lần mà không khắc phục?” rất vô tư: “Cải thiện chứ, lần trước bị phạt 20 triệu đồng, lần sau bị phạt có 9 triệu đồng, là cải thiện rồi đó!”.
Khi đọc Báo Thanh Niên số ra ngày 7.11, thấy 2 phòng khám y học cổ truyền có thầy thuốc nước ngoài chi 4 tỉ đồng/năm cho việc quảng cáo bằng hình ảnh bệnh nhân, một thầy thuốc ở TP.HCM cho rằng: “Không có gì ngạc nhiên, vì họ lấy tiền người bệnh trong nước quá dễ, họ sẵn sàng chi rất nhiều thứ, không chỉ là quảng bá để được nhởn nhơ khám bệnh sơ sài, bán thuốc không nhãn mác, rút tiền người bệnh… Để xem lần này cơ quan quản lý y tế thể hiện trách nhiệm của mình đến đâu?”. |
Về phía cơ quan thanh tra, lần kiểm tra này, tiếp tục phát hiện có hai người tham gia khám bệnh kê toa, không bằng cấp, không giấy chứng nhận hành nghề, cộng với sai phạm nghiêm trọng nhiều lần, vậy mà cũng không hề buộc nơi đây ngưng hoạt động (!?). Như thế có quá dễ dãi chăng? Lẽ ra, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người bệnh, nếu cơ quan quản lý phát hiện bác sĩ, lương y hành nghề không trưng ra được bằng cấp, giấy phép hành nghề thì tạm thời phải buộc họ ngưng hoạt động, ngưng khám chữa bệnh, chờ đến khi nào họ cung cấp đầy đủ những giấy tờ cần thiết. Trong lần kiểm tra trước đó (ngày 14.10), phòng khám An Khang cũng đã từng bị lập biên bản sai phạm, trong đó có hành vi “người hành nghề chuyên môn không có bằng cấp chuyên môn phù hợp...”.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng không làm rõ, không truy đến cùng những loại thuốc không nhãn mác, không số đăng ký, cùng những dược liệu để bừa bãi tại phòng khám An Khang có nguồn gốc từ đâu? Cũng như hóa đơn chứng từ bán thuốc... Chắc chắn khi đoàn kiểm tra đi rồi, thì mọi hoạt động tại đây vẫn tái diễn y như cũ.
Siêu lợi nhuận
Trong ngày hôm qua, Báo Thanh Niên tiếp tục nhận được rất nhiều phản ánh từ bạn đọc. Một mặt phản ánh mình bị những phòng khám đông y Trung Quốc “dụ” mua thuốc với số tiền rất lớn - trong đó có một chị 28 tuổi bị một phòng khám đông y Trung Quốc trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM) “dụ” mua một lúc 30 ngày thuốc, lên đến 9 triệu đồng (giá thuốc mỗi ngày là 300 ngàn đồng). Một anh ở Q.1 bị phòng khám đông y Trung Quốc khác (trên đường Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM) “dụ” mua thuốc còn nhiều hơn, đến 15,6 triệu đồng. Qua phản ảnh, hầu hết người bệnh đều cho rằng, họ là nạn nhân từ sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng. Bởi, theo bạn đọc, có bệnh thì phải chạy tìm nơi chữa trị, người bệnh làm sao biết được “đâu là thật, đâu là giả”, ở đâu có đủ chuyên môn, ở đâu không; trách nhiệm đó thuộc về cơ quan quản lý y tế.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù các phòng khám đông y Trung Quốc bán thuốc với giá rất cao, nhưng phần lớn họ không ghi hóa đơn, chứng từ. Một số phòng khám để đối phó với cơ quan thuế, họ thực hiện bằng cách, thay vì bán 10 ngày thuốc là 3 triệu đồng, thì họ ghi kéo dài ngày ra thành 20 ngày. Nhiều nơi trên những toa toàn chữ Trung Quốc, ở một góc bên phải họ ghi các con số: 300, 480, 600..., thực chất đó là tiền triệu (là 3 triệu, 4,8 triệu, 6 triệu...). Cuối ngày, dựa vào đó họ tổng kết lại doanh thu bán thuốc. Nguyên thủ trưởng của một đơn vị y tế ở TP.HCM nói “kiểu lừa đảo bán thuốc như thế quả là siêu lợi nhuận!”.
Trong lúc thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi có đến gặp một bác sĩ làm công tác quản lý về y dược học cổ truyền của Sở Y tế TP.HCM, và có đặt vấn đề về việc các phòng khám đông y Trung Quốc bán thuốc với giá quá cao, vị này cho rằng: “Giá thuốc cao, thấp là tùy vào từng thang thuốc có dược liệu quý, dược liệu hiếm, nên không thể nói vậy được!”. Thử hỏi, vậy việc quản lý của cơ quan chức năng như thế nào mà các phòng khám đông y Trung Quốc bán toàn những thuốc (có cả thuốc viên) không nhãn mác, không rõ nguồn gốc (điều này đã được chứng minh qua những nạn nhân, và qua kiểm tra của Sở Y tế vừa rồi) mà bảo là “thuốc quý, thuốc hiếm” (?!). Điều đó chứng tỏ, những người có trách nhiệm đã không quản lý nổi, không nắm sát thực tế, hay vì lý do nào đó đã để cho các phòng khám đông y Trung Quốc này ngang nhiên tung hoành, xem thường các cơ quan chức năng.
Một nam bác sĩ tại TP.HCM khi thấy Thanh Niên thực hiện loạt bài viết về thực trạng tại các phòng khám đông y có “bác sĩ” Trung Quốc, đã chia sẻ: “Tôi đọc những bài báo thấy tâm đắc lắm, vì nói đúng thực trạng. Nhưng tôi không hy vọng gì ở cơ quan quản lý, vì đã nhiều lần những phòng khám đông y Trung Quốc sai phạm bị phản ánh, cơ quan chức năng kiểm tra theo kiểu đối phó, không quyết liệt, không mạnh mẽ, rồi sau đó đâu cũng lại vào đấy. Tội nghiệp những người bệnh, nhất là những người ở quê, mất tiền vô ích”.
Thanh Tùng
Bình luận (0)