“Chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ”
Lương y Trần Khiết, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Y lý cổ truyền, giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, người đã có hơn 60 năm trong nghề, nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng vì quá bức xúc đã liên hệ với Thanh Niên để bày tỏ.
Ông nói: “Chúng tôi theo dõi tất cả các bài viết của Báo Thanh Niên, rất bức xúc. Chuyện này, lâu nay anh em trong nghề đã biết, đã bức xúc, nhưng qua các bài viết mà Thanh Niên phản ánh càng thấy bức xúc hơn. Bức xúc vì người bệnh trong nước bị lường gạt rất tội nghiệp; bức xúc vì các phòng khám này nhởn nhơ sai phạm, mục đích họ sang đây chỉ để bán thuốc; bức xúc vì cơ sở có “bác sĩ” Trung Quốc trực tiếp khám bệnh kê toa, nhưng không có bằng cấp chuyên môn, vậy mà không bị đóng cửa... là không thể chấp nhận được. Không bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề thì phải đóng cửa ngay, không phải chần chừ, vì rất nguy hiểm cho người bệnh. Càng phạt tiền, thì họ càng bóc lột lại người bệnh bằng... bán thuốc. Minh chứng là phòng khám An Khang (số 627B Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM) đã bị phạt nhiều lần vẫn ngang nhiên sai phạm. Tôi đã từng tiếp xúc với một số người, thấy lực lượng khám bệnh của họ sang đây bừa bãi lắm, qua VN chủ yếu thuê mướn bằng của những người trong nước để mở phòng khám, nhằm vào bán thuốc. Bình quân một thang thuốc ở VN cao lắm cũng chỉ 50-60 ngàn đồng, không có ai mà bán giá trên trời như những phòng khám đông y Trung Quốc như vậy cả. Người thầy thuốc đàng hoàng, không ai gạ bệnh nhân phải đặt tiền cọc mua thuốc cho bằng được như kiểu các phòng khám Trung Quốc tại TP.HCM”.
“Không bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề thì phải đóng cửa ngay, không phải chần chừ, vì rất nguy hiểm cho người bệnh. Càng phạt tiền thì họ càng bóc lột lại người bệnh bằng… bán thuốc” Lương y Trần Khiết |
Không nên vì số tiền lớn mà cho thuê mướn bằng cấp...
Một chị trước đây có nhiều năm gắn bó với Hội Đông y Q.5, TP.HCM cho biết thêm: “Không bao giờ một bệnh nhân bước ra khỏi phòng khám đông y Trung Quốc mà mua dưới 10 ngày thuốc. Kiểu làm của các “bác sĩ” Trung Quốc rất ăn xổi ở thì, có nơi họ hỏi thẳng người bệnh: Hôm nay ông, bà đem theo bao nhiêu tiền?”.
Một luật sư (văn phòng ở Q.3, xin không nêu tên) cũng đã gọi cho PV Thanh Niên, bức xúc: “Đã đến lúc cơ quan quản lý y tế phải hết sức xem xét, thẩm định thật kỹ lưỡng trước khi cấp phép hoạt động cho các phòng khám đông y Trung Quốc. Sau khi cấp phép, họ đi vào hoạt động phải thường xuyên kiểm tra, đồng thời phải quy định rõ đối với họ, nếu sai phạm sẽ rút phép vĩnh viễn, không cho hành nghề tại VN nữa. Có như thế họ mới không dám làm bừa, lừa gạt người bệnh dễ dàng như bấy lâu nay”.
Một thầy thuốc cổ truyền ở Đồng Nai thì đề nghị: “Trong khi chờ cơ quan quản lý chấn chỉnh tình trạng bát nháo, tôi khuyên người bệnh chớ tin vào những quảng bá không thực của những phòng khám này, đừng để họ tiếp tục lừa gạt mình. Đồng thời, anh em chuyên môn trong nước không vì số tiền lớn cho thuê mướn bằng cấp, rồi giao khoán mọi hoạt động khám bệnh, bán thuốc cho các “bác sĩ” đông y Trung Quốc, rất nguy hiểm, không chỉ tiếp tay cho việc lừa gạt người bệnh trong nước, mà nếu họ sai phạm, làm nguy hại đến sức khỏe người bệnh rồi bỏ trốn, thì người đứng tên giấy phép sẽ chịu mọi trách nhiệm”.
* Thời gian qua, những phòng khám đông y có “bác sĩ” Trung Quốc tại TP.HCM mà Báo Thanh Niên nhận được phản ánh nhiều nhất từ người bệnh là: phòng khám trên đường Thành Thái, Q.10; phòng khám gần bến xe miền Tây (Q.Bình Tân); phòng khám trên đường Nguyễn Trãi (P.11, Q.5); phòng khám trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình)... * Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh - Trưởng phòng Quản lý y dược học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM, thực chất hiện nay ở TP.HCM chỉ có 5-6 phòng khám đông y có người Trung Quốc khám bệnh chính thức đăng ký với ngành y tế, số còn lại là họ khám chui. |
Thanh Tùng
Bình luận (0)