Trong buổi ra mắt dự án “Nhà hát lớn ảo” tại Hà Nội sáng 12.7, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc dự án phát triển đô thị giữa Ile de France và Hà Nội, trưng ra một tấm hình Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày mới xây dựng. “Có thể nhìn thấy trục đường thẳng tắp dẫn tới Nhà hát lớn, công trình rất giống với Nhà hát Lớn Paris. Trên phố đó, những ngôi nhà cũng được quy định kích thước để phù hợp với nhà hát. Bây giờ đó là phố Tràng Tiền”, ông nói. Như thế, Nhà hát lớn đã vô cùng quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử và kiến trúc từ những ngày đầu nó ra đời. Đó là nơi người Pháp mang sân khấu kịch nói vào, bắt đầu tiến trình hiện đại hóa sân khấu VN đầu thế kỷ 20.
Trong nhóm chuyên gia thực hiện dự án “ảo hóa” Nhà hát Lớn Hà Nội, có nhà nghiên cứu sân khấu - TS Corinne Flicker, Trường ĐH Aix-Marseille, Pháp. Bà từng xuất bản 2 cuốn sách về sân khấu VN và sân khấu Đông Dương. Những tư liệu sân khấu, đặc biệt là tư liệu về ông Claude Bourrin, giám đốc đầu tiên của Nhà hát lớn, đã được đưa vào để người xem có thể hiểu công trình đã đóng vai trò thế nào trên tiến trình văn hóa Việt. “Dành gần trọn cuộc đời để truyền bá kịch Pháp sang Đông Dương thông qua việc khuyến khích dịch, dàn dựng và trực tiếp tham gia trình diễn các vở kịch cổ điển Pháp... Bằng hoạt động thực tế của mình, Claude Bourrin chống lại quan điểm thực dân cho rằng người VN không có khả năng thưởng thức cũng như trình diễn và sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao”, thông tin trên bảo tàng ảo cho biết.
TS Ngô Tự Lập, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - đơn vị nghiên cứu thực hiện “Nhà hát lớn ảo”, cho biết từ giờ trở đi người xem có thể tiếp cận từng chi tiết của Nhà hát Lớn Hà Nội qua trang web của nhà hát. Các tư liệu đã được số hóa để người xem có thể tự mở cửa phòng, đi xem từng chi tiết, hoa văn kiến trúc của công trình. Có tới 18 điểm nhìn khác nhau để quan sát Nhà hát lớn. Cũng có cả công nghệ 3D, 360 độ… để khán giả có thể xem rõ trần, sàn, tường của từng căn phòng.
Bình luận (0)