(TNO) “Mấy ngày nay ống nước sinh hoạt dẫn từ trên núi xuống chỉ chảy nhỏ giọt nên phải để dành nấu ăn. Tắm rửa, giặt giũ đều phải ra suối cả. Suối ở bản có rất nhiều trâu bò xuống tắm nên chúng tôi phải tắm chung với chúng...”, thượng tá Cao Ánh Hồng kể quá trình đi tìm dấu vết hung thủ thảm sát 4 người ở Nghệ An.
Căn nhà sàn của một hộ dân ở bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) từ khi vụ thảm sát được phát hiện, đã trở thành nơi đóng quân của Ban chuyên án. Quãng đường từ quốc lộ 7 vào bản Phồng khoảng 23 km, toàn là đường đất, nhiều “ổ voi”, lởm chởm đá và nhiều đèo dốc.
Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Nghệ An, cho biết tối hôm nhận được tin về vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng này, xe của cảnh sát phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới “bò” vào được bản vì đường quá xấu, nguy hiểm và lái xe chưa quen đường. Từ bản Phồng vào nơi xảy ra vụ thảm sát mất gần 2 giờ đi bộ. Đường đi là một lối mòn nhiều đoạn chỉ đủ lọt một người, len lỏi trong rừng với nhiều con dốc, qua nhiều con suối.
Theo thượng tá Hồng, nhiều mũi trinh sát đã được tung ra để lần tìm manh mối vụ án. Các điều tra viên khoác ba lô, mang theo mì gói để cắt rừng, tìm dấu vết của kẻ thủ ác. Đến giờ ăn, các trinh sát phải chặt ống nứa làm bát, vào lán của dân dựng trong rừng xin nước sôi chế mì gói. Nước uống thì múc dưới suối. Tối đến, nhiều trinh sát phải ngủ lại trong rừng.
“Mấy ngày nay ống nước sinh hoạt dẫn từ trên núi xuống chỉ chảy nhỏ giọt nên phải để dành nấu ăn. Tắm rửa, giặt giũ đều phải ra suối cả. Suối ở rừng còn sạch, chứ ở bản thì rất nhiều trâu bò cũng xuống tắm nên chúng tôi phải tắm chung với chúng”, thượng tá Hồng nói.
Nơi bà Viêng Thị Chương bị sát hại sát bên bờ suối - Ảnh: Khánh Hoan - Phạm Đức
|
Trung tá Trần Phúc Tú, Phó trưởng Công an huyện Tương Dương, cho biết khu vực xảy ra vụ thảm sát thuộc vùng rất khó khăn của địa phương, đường sá đi lại quá vất vả, địa bàn giáp biên giới, xung quanh chỉ toàn là núi với rừng. Ở trung tâm xã có sóng điện thoại, nhưng ở bản Phồng thì sóng rất yếu, muốn liên lạc phải lên trên núi cao dò sóng.
“Anh em chúng tôi phải treo điện thoại trước cửa nhà để hứng sóng. May mắn lắm thì mới thực hiện được cuộc gọi thành công”, ông Tú kể.
Khẩn trương phá án
Công an tỉnh Nghệ An xác định đây là vụ án đặc biệt nghiệm trọng nên ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát, đơn vị này đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ để xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp điều tra. Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu công an tỉnh và các ngành liên quan tập trung lực lượng, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an để khẩn trương điều tra làm rõ vụ án này.
Công an tỉnh đã thành lập hội đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định các dấu vết liên quan và tiến hành các hoạt động điều tra. Các điều tra viên, trinh sát viên, giám định viên có kinh nghiệm, năng lực đã được huy động để làm rõ vụ án.
Đường vào hiện trường vụ thảm sát chỉ vừa một người đi - Ảnh: Khánh Hoan - Phạm Đức
|
Do nơi xảy ra vụ án là giáp ranh với Lào, ít người qua lại, xa vùng dân cư sinh sống, có nhiều dân tộc như Tày Pọong, Thái, Mông, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế, nên trong quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết hiện công an tỉnh này đang tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ vụ án. Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cũng đã cử một tổ trinh sát vào để phối hợp điều tra.
Bình luận (0)