Thảm sát ở Bình Phước: Vì sao Trần Đình Thoại không 'giết người cướp của' vẫn bị khởi tố tội này?

13/08/2015 10:09 GMT+7

(TNO) Thoại đã cùng Dương đến nhà ông Mỹ thực hiện hành vi phạm tội, nhưng do nguyên nhân khách quan là không thể đột nhập vào nhà được nên Thoại dừng lại việc phạm tội chứ không phải tự ý giữa chừng chấm dứt việc phạm tội một cách chủ quan, điều tra viên của Bộ Công an phân tích.

(TNO)  Thoại đã cùng Dương đến nhà ông Mỹ thực hiện hành vi phạm tội, nhưng do nguyên nhân khách quan là không thể đột nhập vào nhà được nên Thoại dừng lại việc phạm tội chứ không phải tự ý giữa chừng chấm dứt việc phạm tội một cách chủ quan, điều tra viên của Bộ Công an phân tích.

Liên quan đến việc Trần Đình Thoại (27 tuổi, tạm trú Gò Vấp, TP.HCM), bị can thứ 3 trong vụ thảm sát ở Bình Phước bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "giết người" và "cướp tài sản" mà không bị khởi tố về hành vi "không tố giác tội phạm", Thanh Niên Online có cuộc trao đổi với điều tra viên của Bộ Công an và luật sư để giải đáp thắc mắc của bạn đọc.
Theo đại úy Nguyễn Nam Hào, điều tra viên của Bộ công an phân tích, "không tố giác tội phạm" là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.
Để khởi tố Trần Đình Thoại, bị can thứ 3 trong vụ thảm sát Bình Phước về tội không tố giác tội phạm thì cần phải có căn cứ chứng minh là Thoại biết rõ kế hoạch sát hại những người trong nhà ông Mỹ mà Thoại không tố giác với cơ quan có thẩm quyền.
Và Thoại phải biết rõ kế hoạch Dương sẽ đi giết người cướp tài sản, chứ không phải là chỉ biết kế hoạch là lên nhà của ông Mỹ để đòi tiền (như Dương dụ dỗ Tiến đi đòi nợ số tiền hơn 900 triệu từ hồi còn là người yêu của con gái ông Mỹ, nếu đòi được nợ thì sẽ chia cho Tiến một khoản). “Nếu Thoại không biết trước việc Dương sẽ giết người, cướp tài sản thì chưa đủ cơ sở xem xét để xử lý Thoại về tội không tố giác tội phạm”, đại úy Hào phân tích.
Ngoài ra, nếu Dương không bàn kế hoạch sát hại cụ thể với Thoại nhưng khi thấy Dương chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội (dao, súng, găng tay...) mà không tố giác thì đó là hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, từ thông tin ban đầu của CQĐT, tối 5.7, Thoại đã cùng với Dương đến nhà của ông Mỹ trên QL13 (xã Minh Hưng) để thực hiện kế hoạch. Khi đến nơi, Dương gọi điện cho Dương Minh Vỹ (14 tuổi, cháu ông Mỹ) ra mở cửa nhưng không thành nên Thoại và Dương quay về lại xã Nhị Bình (H.Hóc Môn, TP.HCM), rồi Thoại bỏ cuộc, không tham gia nữa. Đến ngày 6.7, Dương tiếp tục rủ Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước, tạm trú xã Nhị Bình) tham gia và Tiến đồng ý.
Nghĩa là Thoại đã biết rõ kế hoạch của Dương hơn Tiến, Thoại biết kế hoạch của Dương là sẽ sát hại gia đình ông Mỹ và cướp tài sản nhưng không tố giác và ngăn cản.
Theo đại úy Hào, hiện nay CQĐT khởi tố Thoại về hành vi "giết người" và "cướp tài sản" để điều tra vì Thoại đã cùng Dương đến nhà ông Mỹ thực hiện hành vi phạm tội, nhưng do nguyên nhân khách quan là không thể đột nhập vào nhà được nên Thoại dừng lại việc phạm tội, chứ không phải tự ý giữa chừng chấm dứt việc phạm tội một cách chủ quan.
Bị can Nguyễn Hải Dương (bìa phải) lúc bị bắt - Ảnh: C.A
Nếu vì chủ quan mà Thoại dừng việc thực hiện hành vi thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "giết người" và "cướp tài sản", nhưng vẫn có thể bị truy cứu tội không tố giác tội phạm. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp, căn cứ vào chứng cứ, tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra có thể thay đổi tội danh đã khởi tố đối với các bị can.
Với những phân tích trên, đại úy Hào cho rằng, nếu Thoại đã tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội thì không khởi tố về tội không tố giác tội phạm nữa mà bị khởi tố về hành vi mà bị can định thực hiện là "giết người", "cướp tài sản".
Theo Luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM), mặc dù Thoại không trực tiếp tham gia vào việc gây án nhưng đã cùng Dương đến nhà ông Mỹ, vì không vào được nên mới quay về là sự việc khách quan xảy ra ngoài ý muốn của các đối tượng. Vì vậy, CQĐT tạm giam Thoại để làm rõ hành vi giết người, cướp tài sản là hoàn toàn có căn cứ.
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cùng chung quan điểm với LS Thảo và cho rằng, Thoại sẽ bị xem xét ở dạng phạm tội chưa đạt theo qui định của Điều 18 Bộ luật Hình sự, theo đó người phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt của hai hành vi "giết người" và "cướp tài sản" mà không cần phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm.
LS Hoàng Như Vĩnh (Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai) cho biết mức hình phạt mà Thoại có thể chịu trách nhiệm được quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS: “Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.
Trao đổi với Thanh Niên Online, đại tá Vũ Hoàng Kiên (Cục phó Cục cảnh sát hình sự) khẳng định, việc khởi tố Thoại về tội giết người, cướp tài sản là hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, dựa vào hồ sơ tài liệu, chứng cứ thu thập được, CQĐT có thể thay đổi tội danh đã khởi tố đối với Thoại nếu có căn cứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.