Đến nay, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện trải dài từ biển Đông, qua eo biển Malacca, xuyên Ấn Độ Dương đến tận châu Phi đang dấy lên không ít quan ngại từ nhiều phía. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh thực hiện tham vọng này.
Từ thất bại quá khứ
Ngược dòng lịch sử từ hơn 600 năm trước, dưới thời vua Minh Thành Tổ thuộc triều Minh, ông Trịnh Hòa trở thành người đầu tiên thực hiện một hành trình khám phá với tham vọng đưa Trung Quốc vươn lên thành cường quốc biển. Theo một số tư liệu của Quốc hội Mỹ, hạm đội mà Trịnh Hòa đưa đi có đến 62 tàu cỡ lớn lúc bấy giờ với đầy đủ tàu chở ngựa, tàu chiến, tàu hậu cần… Tổng số nhân sự đi theo lên đến hàng chục ngàn người. Quả thực, đoàn thám hiểm của Trịnh Hòa đã đạt những thành công nhất định nhưng tham vọng ban đầu thì vẫn xa xăm. Kết quả mà ông có thua xa những gì Christopher Columbus đạt được sau đó gần 100 năm. Không những thế, đến 2 cuộc chiến tranh nha phiến vào giữa thế kỷ 19, Trung Quốc lại còn thua đau ngay trên “sân nhà” trước các cường quốc biển.
|
Đến thời hiện đại, chưa bao giờ Trung Quốc phát triển như những năm gần đây. Bởi vậy, chẳng hề khó hiểu khi Bắc Kinh tận dụng sự trỗi dậy để trở thành một cường quốc biển. Tuy nhiên, một cường quốc biển không đơn giản chỉ là có tàu lớn mà còn phải dựa vào một mạng lưới hậu cần, trung chuyển tương xứng. Bên cạnh đó, tuyến hàng hải nối từ Trung Đông, châu Phi, xuyên qua Ấn Độ Dương, vượt eo biển Malacca đến Trung Quốc hiện rất quan trọng đối với Bắc Kinh, đóng vai trò đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho nước này. Đó là lý do khiến Trung Quốc bắt tay phát triển Chuỗi Ngọc trai.
Đến tham vọng hiện tại
Báo cáo mang tên String of Pearls: meeting the challenge of China’s rising Power across the Asian littoral (tạm dịch: Chuỗi Ngọc trai: đối mặt thách thức của sức mạnh Trung Quốc đang trỗi dậy vượt qua duyên hải châu Á) do Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, trình quốc hội nước này đã thể hiện khá rõ chiến lược Chuỗi Ngọc trai của Bắc Kinh. Ngoài ra, công trình nghiên cứu sau tiến sĩ của chuyên gia Hải quân Mỹ Martin E.Conrad cũng đề cập khá chi tiết chiến lược này.
Theo đó, mỗi “viên ngọc” (cơ sở cảng biển) trong chuỗi đều đóng vai trò quan trọng về địa chính trị. Các cơ sở cảng biển được cho là vừa đáp ứng cả nhu cầu dân sự nhưng trọng tâm lâu dài sẽ là phục vụ quân sự. Cụ thể, đảo Hải Nam được xem là một đầu của Chuỗi Ngọc trai với căn cứ hải quân sẵn có, đủ sức đáp ứng cả việc đồn trú tàu ngầm hạt nhân tấn công. Thậm chí, một số nghiên cứu còn chỉ ra cả Hồng Kông cũng là một phần trong chiến lược này. Kế tiếp căn cứ tại đảo Hải Nam là cơ sở mà Bắc Kinh đang xây dựng trên đảo Phú Lâm, ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Cũng từ chiến lược này, việc Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông để xây dựng thêm cơ sở phi pháp trên quần đảo Trường Sa, thuộc Việt Nam, càng trở nên dễ hiểu hơn.
Nối tiếp khu vực biển Đông, Chuỗi Ngọc trai của Bắc Kinh dường như đang có 2 nhánh để đi tiếp: thứ nhất là vượt qua eo biển Malacca, thứ hai là phát triển tuyến đường mới bằng dự án Kênh đào Thái. Tờ The Pittsburgh Tribune-Review từng dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tiết lộ Trung Quốc dự định chi 20 - 25 tỉ USD cho Thái Lan để xây dựng kênh đào Thái. Cả hai nhánh lựa chọn trên đều dẫn đến cơ sở Sittwe (Myanmar), nơi đang được phát triển như một cảng nước sâu. Chưa dừng lại ở đó, cơ sở hàng hải Chittagong của Bangladesh cũng được cho là nằm trong Chuỗi Ngọc trai mà Bắc Kinh đang hình thành. Từ đây, theo báo Hindustan Times dẫn một báo cáo được giải mật từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Chuỗi Ngọc trai sẽ tiếp nối ở cảng Hambantota của Sri Lanka. Hồi năm 2010, tờ Sunday Observer (Sri Lanka) đưa tin Công ty xây dựng cầu cảng Trung Quốc đang hợp tác phát triển cảng Hambantota.
“Viên ngọc trai” quan trọng khác trong chiến lược của Bắc Kinh chính là cảng Gwadar, thuộc Pakistan. Cảng biển này đóng vai trò địa chiến lược cực kỳ quan trọng khi có thể dễ dàng dẫn đến eo biển Hormuz, vốn là nơi qua lại của phần lớn các tàu chở dầu đi từ vịnh Persia. Về lâu dài, toàn bộ những cảng biển trên sẽ thông qua các tuyến hàng hải nối đến số cảng biển mà Bắc Kinh phát triển tại châu Phi. Khi đó, Bắc Kinh sẽ sở hữu một mạng lưới đồ sộ, hình thành tuyến hàng hải xuyên suốt từ vùng viễn Tây Thái Bình Dương đến hết Ấn Độ Dương.
Lầu Năm Góc án ngữ Chuỗi Ngọc trai Washington cũng có sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực thuộc Ấn Độ Dương nằm trong Chuỗi Ngọc trai của Bắc Kinh. Theo website Lầu Năm Góc, Hạm đội 5 Hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực vịnh Persia, biển Đỏ, biển Ả Rập. Lực lượng này bao gồm hàng chục tàu chiến tối tân, trang bị đủ loại tên lửa hiện diện cùng một số lượng lính thủy đánh bộ đáng kể. Washington còn thường xuyên điều phái các nhóm tác chiến tàu sân bay đến phối hợp cùng lực lượng của hạm đội 5. Đặc biệt, vào những thời điểm mà khu vực có nhiều căng thẳng, Lầu Năm Góc thậm chí còn triển khai nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay đến đây. Đầu năm 2012, giữa lúc Iran nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz, Mỹ cũng phái 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến đây. Trên Ấn Độ Dương, Mỹ còn xây dựng một cơ sở hậu cần tại đảo san hô Diego Garcia. Theo chuyên trang hải quân Naval-Technology, cơ sở này là nơi đồn trú tàu tiếp vận, hỗ trợ và có thể neo cả tàu ngầm tấn công dùng năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, ở Diego Garcia còn cho phép tiếp nhiên liệu và bổ sung vũ khí cho máy bay ném bom chiến lược B52. Tất nhiên, các loại máy bay vận tải quân sự cỡ lớn đều có thể cất hạ cánh tại Diego Garcia. Nhờ đó, cơ sở này trở thành căn cứ dự trữ để nhanh chóng đáp ứng vũ khí cho các lực lượng Mỹ khi cần triển khai trong khu vực. Đây còn là căn cứ giám sát, do thám có vị trí chiến lược trong khu vực. Việc Mỹ hình thành căn cứ Diego Garcia bắt nguồn từ những thỏa thuận “mang tính lịch sử để lại” nên nhiều chính trị gia Ấn Độ từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hai bên dần giảm bớt bất đồng giữa bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy. Mỹ cũng còn có một loạt quan hệ hợp tác quân sự khác trải dài từ Đông Bắc Á đến Trung Đông. Hoàng Đình |
Ngô Minh Trí
>> Trung Quốc lập trạm nhận thông tin về biển Đông
>> “Trung Quốc là kẻ bắt nạt nếu không ra tòa cùng Philippines”
>> Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đặc sứ Triều Tiên
>> Tin tặc ở Trung Quốc là một "nghề" thông dụng
>> Trung Quốc toan tính gì ở bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa?
Bình luận (0)