Tham vọng phát triển vệ tinh laser săn tàu ngầm của Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
01/10/2018 19:47 GMT+7

Trung Quốc đang phát triển một loại vệ tinh laser dùng cho tác chiến chống tàu ngầm mà giới nghiên cứu cho rằng có thể phát hiện mục tiêu ở độ sâu khoảng 500 m.

Dự án nói trên được chính thức khởi động tại Phòng thí nghiệm quốc gia về khoa học biển và công nghệ ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc vào tháng 5 nhưng thông tin về dự án mới được tiết lộ. Dự án nhằm tăng cường hoạt động giám sát của Trung Quốc ở các đại dương, theo website của phòng thí nghiệm.
Dù các nhà khoa học Trung Quốc chỉ đang thiết kế vệ tinh laser, các linh kiện quan trọng đang được hơn 20 viện nghiên cứu và trường đại học ở Trung Quốc phát triển, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Nhà nghiên cứu Tống Hiếu Quyền, đang tham gia dự án, cho rằng nếu đội nghiên cứu phát triển vệ tinh laser theo kế hoạch, thiết bị này “sẽ thay đổi hầu như mọi thứ”.
Hình ảnh mô phỏng tia laser cực mạnh từ vệ tinh Trung Quốc đang phát triển có thể chiếu sáng một khu vực ở độ sâu 500 m Chụp màn hình SCMP
Dự án phát triển vệ tinh laser của Trung Quốc được đánh giá là đầy tham vọng. Trong hơn nửa thế kỷ qua, các nhà nghiên cứu hải quân cố phát triển một chùm sáng laser để săn tàu ngầm dùng công nghệ được gọi là lidar.
Theo lý thuyết của công nghệ lidar, khi tia laser chạm phải một tàu ngầm, các xung phản xạ dội lại và sẽ được các bộ cảm biến nhận rồi được máy tính phân tích để quyết định vị trí, vận tốc và hình dạng 3 chiều của mục tiêu. Tuy nhiên, trong thực tế, công nghệ lidar có thể bị nhiều yếu tố tác động như nước dơ, sinh vật biển nên khó có thể có được sự tính toán chính xác.
Vệ tinh do Trung Quốc phát triển sẽ dùng công nghệ lidar và radar sóng cực ngắn để xác định mục tiêu Chụp màn hình SCMP
Trong những cuộc thử nghiệm về lidar do Mỹ và Liên Xô tiến hành trước đây, tia laser có thể phát hiện mục tiêu ở độ sâu chưa tới 100 m. Tầm này đã được Mỹ mở rộng trong những năm gần đây trong một cuộc nghiên cứu do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA) tài trợ. Chẳng hạn, một thiết bị do DAPRA phát triển được gắn trên một máy bay do thám có thể cho ra những kết quả đáng tin cậy ở độ sâu 200 m, phát hiện mục tiêu nhỏ như thủy lôi.
Một nhà khoa học về lidar tại Viện khoa học Trung Quốc nhận định với SCMP rằng việc phát hiện mục tiêu dưới độ sâu 500 m là “bất khả thi’. Hiện nay, hầu hết tàu ngầm hoạt động ở độ sâu dưới 500 m. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn đồng ý tài trợ dự án, một phần là vì đội tham gia đã có cách tiếp cận mang tính sáng tạo mà chưa được thử nghiệm trước đó, một nhà khoa học khác tham gia dự án cho SCMP hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.