|
Trong bộ phim bom tấn của Hollywood The Avengers ra rạp vào năm 2012, các nhân vật siêu anh hùng như Đại úy Mỹ, Người khổng lồ xanh, Người sắt, Thor… đã hội ngộ trên một tàu sân bay khổng lồ chở theo hàng chục chiến đấu cơ giữa trời xanh, và biến mất khỏi tầm mắt của người thường nhờ vào thiết bị phủ vô hình.
Trên thực tế, tàu sân bay trên không như trong phim ảnh vẫn là mục tiêu ngoài tầm với trong điều kiện công nghệ hiện tại. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Lầu Năm Góc lên kế hoạch cho một mục tiêu dễ thực hiện hơn, đó là trang bị cho không quân Mỹ tàu bay mẹ chở theo các máy bay không người lái (UAV), cho phép thu phóng UAV trên không.
Theo tờ The Washington Post, Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) đang nghiên cứu khả năng biến một dòng máy bay đã có sẵn thành “pháo đài bay” làm bệ phóng cho UAV xuất kích và quay về sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Hướng tiếp cận này không những giúp mở rộng tầm hoạt động của các UAV trong các sứ mệnh thu thập tin tức tình báo, mà còn tiết kiệm ngân sách và giảm thiểu rủi ro của phi công.
“Chúng tôi muốn tìm cách để máy bay nhỏ hoạt động hiệu quả hơn, và một ý tưởng đầy hứa hẹn là tái trang bị các máy bay lớn để biến chúng trở thành “tàu sân bay” trên không”, theo giám đốc chương trình Dan Patt của DARPA. Cơ quan này vẽ ra viễn cảnh về các khái niệm xuất kích và thu hồi các thiết kế UAV mới, với trọng tải nhỏ và công nghệ tương tác hiện đại.
Không giống như tàu sân bay trên không trong phim The Avengers, tàu sân bay phiên bản DARPA nhiều khả năng sử dụng dòng máy bay như oanh tạc cơ B-52, B-1B hoặc máy bay vận tải C-130 Hercules. DARPA cũng để ngỏ khả năng phóng UAV như cách phóng tên lửa.
Đây không phải lần đầu tiên quân đội Mỹ bị ám ảnh bởi ý tưởng tàu sân bay trên không. Vào thập niên 1930, hải quân Mỹ từng phóng máy bay tiêm kích hai tầng Sparrowhawk từ khinh khí cầu do hãng Goodyear-Zeppelin chế tạo. Hai khinh khí cầu dùng để phóng máy bay là USS Akron và USS Macon đều gặp nạn thảm khốc.
Chiếc Akron bị rơi năm 1933 ngoài khơi bờ biển New Jersey, khiến 73 trong số 76 người trên khoang thiệt mạng, theo Trung tâm lịch sử hải quân Mỹ. Còn Macon cũng chịu chung số phận khi gặp nạn ngoài khơi California sau đó 2 năm. May mắn là hầu hết các quân nhân trên tàu đều thoát chết, nhưng sự cố này đã dập tắt tham vọng sở hữu tàu sân bay trên không của Mỹ cho đến ngày nay.
Gần đây, không quân Mỹ cũng nghiên cứu khả năng sử dụng Boeing 747 làm hàng không mẫu hạm cho UAV, theo thông tin từ hãng Boeing. Nhà thầu quân sự của Mỹ đã phác họa một phương án, theo đó một phần của máy bay sẽ được khoét rỗng và những máy bay cỡ nhỏ sẽ được chế tạo để nằm vừa bên trong.
Tàu chiến Mỹ trang bị vũ khí laser Sau 7 năm nghiên cứu và hoàn thiện với chi phí lên đến 40 triệu USD, vũ khí laser đầu tiên của Mỹ đã được triển khai thực chiến tại vịnh Ba Tư. Theo Bloomberg, hải quân Mỹ đã lắp Hệ thống vũ khí laser (LWS) tối tân lên tàu USS Ponce, và hiện con tàu này đang tuần tra vùng biển ngoài khơi Iran. Với năng lượng phóng 30 kW, LWS có thể phá hủy mục tiêu di động với tốc độ ánh sáng, phù hợp cho việc triển khai tại vịnh Ba Tư, nơi quân đội Iran sử dụng thiết bị bay không người lái, xuồng máy, tàu nhỏ, những công cụ có thể nhanh chóng bao vây các tàu chiến. Mỗi phát bắn laser chỉ mất 1 USD, theo báo cáo của hải quân Mỹ hồi cuối tháng 7. H.G |
Thụy Miên
>> Mỹ thúc NATO mua tàu sân bay Pháp bán cho Nga
>> Trung Quốc đóng 2 tàu sân bay mới
>> Trung Quốc đóng tàu sân bay thứ 2 tại Thượng Hải
>> Tàu sân bay Trung Quốc bị tê liệt vì sự cố kỹ thuật
Bình luận (0)