|
Hãng thông tấn Bloomberg ngày 11.6 bình luận: “Cát, xi măng, gỗ và bê tông là những công cụ mới nhất trong kho “vũ khí” giành biển đảo của Trung Quốc (TQ) nhằm phục vụ tham vọng thay đổi hình dạng biển Đông”. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu và bằng chứng cho thấy song song với những hành vi hung hăng trong vùng biển VN xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), TQ đang cấp tập thực hiện âm mưu lấn biển, xây đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa.
Tạo ra đảo nhân tạo
Như Thanh Niên đã thông tin, Philippines đã tố cáo TQ đang tiến hành xây dựng đường băng trên đá Gạc Ma thuộc Trường Sa đồng thời có nhiều động thái chuẩn bị cho việc xây dựng tại đá Ga Ven và đá Châu Viên. Một số chuyên gia TQ như Kim Xán Vinh, thuộc ĐH Nhân Dân (Bắc Kinh), hay Lý Kiệt, từ Viện Nghiên cứu hải quân, còn trắng trợn tuyên bố về kế hoạch xây dựng mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo, có đường băng, cảng biển, căn cứ không quân và hải quân.
“Họ đang tạo nên những hòn đảo nhân tạo chưa từng xuất hiện kể từ khi thế giới được khai sinh. Quy mô xây dựng khổng lồ và liên tục. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến nguy cơ biển Đông rơi vào bàn tay kiểm soát hoàn toàn của TQ”, Bloomberg dẫn lời quan chức Eugenio Bito-onon của tỉnh Palawan, Philippines. Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng nước này là Voltaire Gazmin thì “chắc chắn rằng TQ sẽ xây căn cứ” tại Gạc Ma.
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng âm mưu xây dựng phi pháp ở Trường Sa của TQ nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa lẫn muốn tạo sự đã rồi để hợp lý hóa sự hiện diện trên các khu vực nước này cưỡng chiếm ở biển Đông.
Bên cạnh đó, bằng cách dựng nên những hòn đảo chưa từng tồn tại trong tự nhiên, Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình. “Mục tiêu cuối cùng của TQ là nếu không đạt đến mức hợp pháp thì cũng phải kiểm soát được trên thực tế các vùng biển trong khu vực”, Bloomberg dẫn lời Richard Javad Heydarian, giảng viên Đại học Ateneo de Manila kiêm cố vấn về chính sách cho Hạ viện Philippines, nhận định. Còn theo Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) Rory Medcalf, nếu đạt được ý đồ trong việc xây dựng ở Trường Sa thì TQ có thể sử dụng biện pháp này như một hình mẫu để lấn tới tại các khu vực tranh chấp khác.
Đe dọa toàn khu vực
Theo Bloomberg, ngày 6.6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi tuyên bố bất kỳ hoạt động nào của TQ tại những hòn đảo hoặc đảo san hô vòng tại Trường Sa đều thuộc “phạm vi chủ quyền của nước này” và “không đến lượt” bên khác lên tiếng. Thực chất, như nhiều nhà phân tích đã chỉ rõ, nước này đang cố thay đổi hiện trạng ở biển Đông, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký với ASEAN năm 2002 và các quy định quốc tế khác. Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, chuyên gia Richard A.Bitzinger thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng việc xây dựng ở Trường Sa nguy hiểm không kém gì vụ tàu nước này đâm chìm tàu cá VN ngày 26.5 vừa qua.
Chưa hết, Đài ABS-CBN dẫn lời cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez nhận định rằng việc xây tiền đồn tại đá Gạc Ma có thể đóng vai trò thay đổi hoàn toàn tình hình, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, căn cứ TQ đang dựng lên ở Gạc Ma sẽ có diện tích 5 km2, có thể bao gồm đường băng dài 1,6 km, đủ sức làm bệ phóng cho các máy bay chiến đấu, chẳng hạn như J-11 với tầm hoạt động 3.600 km. Từ đó, ông Golez cảnh báo nếu căn cứ trên hoàn tất, các chiến đấu cơ TQ có thể đặt toàn bộ Philippines, VN và một phần Malaysia vào tầm ngắm. Ông kêu gọi các nước nhanh chóng bắt tay cùng chống lại kế hoạch dựng đảo khống chế khu vực của TQ.
Thụy Miên
>> Philippines công bố hình ảnh Trung Quốc xây dựng tại Gạc Ma
>> Philippines tố Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Gạc Ma
>> Philippines tố Trung Quốc xây đường băng trên đảo Gạc Ma của Việt Nam
>> Trung Quốc định xây dựng sân bay trái phép trên đảo Gạc Ma?
Bình luận (0)