'Thần y' chữa bệnh bằng... mắt: Chữa ung thư bằng da trâu giả

25/08/2016 10:00 GMT+7

Giữa tháng 8, Tòa soạn Thanh Niên tiếp nhận đơn tố cáo của ông P.H.L (65 tuổi, ngụ Đắk Lắk) về việc Công ty TNHH TMSX Quy Nguyên (857 Phạm Văn Đồng, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM) lợi dụng niềm tin của người bệnh bán da trâu gác bếp giả để chữa trị ung thư bao tử giai đoạn cuối.


Tôi thật sự thấy hoang mang, mất hết niềm tin cuối cùng và nghi ngờ về chất lượng các sản phẩm thuốc của công ty
Ông L., một bệnh nhân
Theo đơn phản ánh của ông L., cuối tháng 12.2015, ông đi khám bệnh phát hiện bị ung thư bao tử. Qua giới thiệu, gia đình đưa ông L. tới xã Long Tân, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, được sư thầy trực tiếp khám, kê toa đến Công ty Quy Nguyên bốc thuốc. Từ đó đến nay, hằng tháng, ông L. đi bốc thuốc từ một đến hai lần do Công ty Quy Nguyên cung cấp, mỗi lần từ 10 đến trên 30 loại gồm: bột nấm lim xanh cao cấp, bột nấm linh chi núi loại 1, lá đu đủ, thân lá đinh lăng…
Da trâu gác bếp 35 năm thành... măng khô
Trong 7 tháng làm theo chỉ dẫn của “thần y”, ông L. tốn trung bình 12 triệu đồng tiền thuốc men mỗi tháng nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ngày 13.8 vừa qua, thầy kê toa cho thêm một “vị thuốc” khác mọi lần là da trâu gác bếp 35 năm rất hiếm, dùng để đặc trị ung thư bao tử giai đoạn cuối.
“Thầy dặn dò kỹ, đây là da trâu quý của người dân tộc gác bếp suốt 35 năm nên có tác dụng rất tốt cho dạ dày. Còn nếu mình mua da trâu mà chỉ gác 10 - 15 năm thì không có tác dụng. Mua da trâu về ngâm 1 ngày 1 đêm, sau đó đem hầm với nếp từ 4 - 8 tiếng rồi cho người bệnh ăn sẽ đỡ”, chị Y. (con gái của ông L.) nhớ lại. Nghe lời thầy, gia đình ông L. đến Công ty Quy Nguyên mua tổng cộng 17 sản phẩm theo toa thuốc trị giá hơn 4 triệu đồng, trong đó có 5 bịch “da trâu” gác bếp (mỗi bịch 50 gr), với giá 100.000 đồng/bịch.

Chị Y. làm đúng như hướng dẫn thầy dặn, nhưng sau khi hầm 8 tiếng chị mở nắp nồi phát hiện “da trâu” là các miếng giống măng khô màu đen, dài khoảng 2 đốt tay cùng nhiều đoạn tóc ngắn khoảng 3 cm. “Lúc mang ra ngâm thấy trong bịch có mấy cọng màu đen giống như tóc là tôi thấy ngờ ngợ rồi. Nhưng nghĩ là lông trâu nên cứ nấu thử”, chị Y. phân vân.
Chiều 15.8, chúng tôi theo chân người nhà của ông L. chở theo nồi cháo “da trâu” và bao thuốc mang đến trụ sở Công ty Quy Nguyên yêu cầu giải quyết. Tại đây, cả chục người đang ngồi trước ghế đá trong khuôn viên của công ty chờ bốc thuốc. Làm việc với người nhà ông L., ông Võ Hoàng Tân (bộ phận quản lý sản xuất) thừa nhận: “Đây không phải là da trâu. Do da trâu này tụi em mới nhập về lần đầu tiên, mấy đứa không biết nên bốc lộn (!?)”.
“Làm vậy là chết người ta rồi”
Sau đó, một thanh niên khác tên Duy tự xưng là ở bộ phận bốc thuốc ra gặp chị Y. và giải thích: “Do măng khô này nhập về bỏ chung với da trâu. Đầu tiên em đem ra và cắt mà cứ nghĩ nhóm này là da trâu xử lý rồi, còn mấy thứ chị nói như cọng tóc chắc do bỏ chung nên lông trâu lộn vào đó”. Chị Y. vừa cầm các bịch dược liệu trong bao tải vừa nói: “Cái da trâu này nhìn thấy còn phát hiện được vì nhà chị hay ăn măng, còn mấy thứ khác sao mà biết được. Em làm vậy là chết người ta rồi. Ví như cái này ghi là bạch hoa sà, nấm lim xanh cao cấp được xay thành bột thì làm sao biết thật hay giả”.
Hóa đơn bán hàng của Công ty Quy Nguyên nơi chị Y. mua “thuốc” Ảnh: Đức Tiến
Sau một lúc ấp úng, ông Võ Hoàng Tân yêu cầu người tên Duy vào kho lấy ra một bịch ni lông bên trong có chứa khoảng 10 thanh to như ngón tay, màu đen rồi bảo: “Đây mới đúng là da trâu thật, còn cái em đưa chị là măng khô. Cả hai thứ đều có tác dụng trị bệnh dạ dày lâu năm”.
Thế nhưng, bà Trúc (người của công ty) biện minh thêm rằng số da trâu và măng khô bán cho chị Y. là của riêng bà chứ không phải của công ty. “Da trâu chữa bệnh bao tử, còn măng khô gác bếp mấy chục năm là tôi mua của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa Pa để trị đau nhức xương khớp (!?)”, bà Trúc nói và trấn an: “Những loại thuốc ở công ty đều là do chính tay thầy kiểm duyệt và tất cả đều là thực phẩm nên người bệnh ăn vào sẽ không gây hại. Chị thấy có ai ăn cơm mà chết chưa?”.
Nghe vậy, chị Y. bức xúc: “Ba em mấy bữa nay bị trướng hơi ăn không tiêu mà thầy còn kêu nấu cháo gạo lứt với da trâu cho ăn, giờ lại thành măng khô nữa thử có chết không”.
Tiếp đó, một người đàn ông đứng bên cạnh bà Trúc nói: “Cái này không phải thuốc, nó là một dạng thực phẩm chức năng, kiểu như thức ăn vậy. Người bệnh nếu ăn đúng bài thì sẽ hết bệnh còn không ăn đúng bài cũng không sao?!”.
Về phần mình, ông L. nói thẳng: “Tôi thật sự thấy hoang mang, mất hết niềm tin cuối cùng và nghi ngờ về chất lượng các sản phẩm thuốc của công ty”.
Bệnh nhân bị “móc túi” bởi dược liệu không rõ nguồn gốc
Theo chúng tôi tìm hiểu, sau mỗi lần khám, bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo được 2 thầy trò kê toa từ 10 - 30 loại dược liệu khác nhau, gồm: bột nấm lim xanh cao cấp, bột nấm linh chi núi, mật ong hoa rừng, hạnh nhân rang, óc chó gói, lúa mạch, hạt sen, đậu đỏ sống, gạo lứt đỏ, mè rang muối, cần xen, mãng cầu, lá đu đủ, lá sả, lá mật gấu, thân lá đinh lăng, trà dây Tây nguyên, ba kích, trà lá sen, chanh muối, tỏi đen, táo viên, dầu mè... Trong số đó, sản phẩm thực dưỡng trị giá không cao bằng các dược liệu do Công ty Quy Nguyên bán ra. Cụ thể, dược liệu bột nấm lim xanh cao cấp với giá 320.000 đồng/gói 40 gr (mỗi lần kê toa trung bình 4 gói/bệnh nhân); bột nấm linh chi với giá 250.000 đồng/gói 50 gr (mỗi lần kê toa trung bình 4 gói/bệnh nhân)...
Trong khi đó, sản phẩm thực dưỡng như 1 kg gạo lứt với giá 29.000 đồng (mỗi lần kê toa trung bình mua 5 kg), dầu mè 1 chai 300 ml với giá 85.000 đồng. Nghĩa là bệnh nhân bị “móc túi” nhiều bởi các dược liệu đắt tiền không rõ nguồn gốc, chứ không phải sản phẩm thực dưỡng rẻ tiền.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.