Đặc biệt là những trận chiến sinh tử cả thủy binh, bộ binh của hai bên giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, diễn ra tại đồn Mỹ Tho cùng khúc sông Tiền trước cửa thành Mỹ Tho nhằm giành quyền kiểm soát Sài Gòn và Nam bộ. Vì thế mà sau khi lấy lại được Gia Định (1788), bên cạnh việc củng cố, xây dựng thành Gia Định trở thành kinh đô, sử quán triều Nguyễn ghi chép chi tiết vào tháng giêng năm 1792, chúa Nguyễn Ánh đã lập tức chỉ đạo đắp thành Mỹ Tho (góc thành đắp như dáng hoa mai), phát quan quân các dinh đến ứng dịch. Vua ngự đến xem. Đến tháng giêng năm 1796, chúa Nguyễn Ánh cho sửa bảo đồn Mỹ Tho thuộc dinh Trấn Định.
tin liên quan
Thành cổ Nam bộ: Dấu tích thành cổ Biên HòaTháng 6 năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt lần lượt chiếm thành Gia Định, Biên Hòa. Thành Mỹ Tho - Định Tường của triều Nguyễn cũng bị thất thủ. Từ đây, lần lượt các thành trì khác của triều đình ở Nam bộ như thành Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên đều lọt vào tay của Lê Văn Khôi. Triều đình của vua Minh Mạng đã phải hao người tốn của mới lấy lại được thành Mỹ Tho vào tháng 8 năm 1833.
Tháng 4 năm 1861, người Pháp xâm chiếm thành Mỹ Tho, biến nơi đây thành bàn đạp để gây sức ép và xâm lược toàn bộ các thành trì ở Nam bộ. Thời gian đầu người Pháp vẫn sử dụng nguyên trạng thành Mỹ Tho, sau đó dần dần cải tạo, xây dựng bổ sung cho đến đầu thế kỷ 20 mới phá bỏ hoàn toàn.
Dấu ấn đại phố
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức còn cho biết dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), sau khi lập làm dinh trấn đều là tùy thời dời đổi, lúc tiến về nam, lúc lui về bắc... Nhưng thành lũy thì chưa đắp. Phía nam lỵ sở là phố chợ Mỹ Tho, nhà ngói đục chạm, chèo đi lại như mắc cửi, phồn hoa huyên náo, là một nơi đại đô hội.
tin liên quan
Thành cổ Nam bộ: Cuộc chiến ở thành PhụngHiện nay, hầu như không còn dấu vết nào liên quan đến thành Mỹ Tho trong lịch sử. Sử liệu thời Nguyễn cũng không ghi chép một cách thống nhất vị trí, quy mô và cấu trúc của thành Mỹ Tho. May mắn, chúng tôi đã sưu tầm được 2 tấm bản đồ vẽ về ngôi thành này do người Pháp thực hiện vào các năm 1873, 1874, là nguồn tư liệu hết sức quý báu để xác định vị trí của thành Mỹ Tho đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Căn cứ vào các bản đồ này, vị trí xưa của thành Mỹ Tho hiện nay được xác định giới hạn bởi các con đường: cửa chính nay là đường Rạch Gầm trông ra khu vực Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tiền Giang, bên tả là dọc đường Trưng Trắc chạy ven sông Bảo Định, bên hữu là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cửa hậu là đường Ngô Quyền, toàn bộ nằm trên địa bàn P.1, TP.Mỹ Tho - khu trung tâm ngày nay.
Tại Bảo tàng Tiền Giang, trong phòng trưng bày giai đoạn trước 1945 có một mô hình về thành Mỹ Tho. Tuy nhiên, khi so sánh với bản vẽ thành Mỹ Tho mà chúng tôi sưu tầm thì mô hình này hoàn toàn bị sai lệch cả về hình thức lẫn vị trí. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, cho biết đây là mô hình vốn chỉ là tưởng tượng của người sau, không dựa trên cơ sở tài liệu lưu trữ và tài liệu khoa học nào. Vì thế, những tấm bản đồ, bản vẽ về thành Mỹ Tho ở VN hiện nay chưa từng được phát hiện và công bố - sẽ là nguồn tư liệu cực kỳ giá trị giúp cho việc sưu tầm, chỉnh lý và phục dựng thành Mỹ Tho trong lịch sử một cách chân thực. (còn tiếp)
Bình luận (0)