Thành công với 'bí kíp' giữ hoa mai lâu tàn

05/02/2015 10:11 GMT+7

Những ngày giáp tết, nhà ông Phạm Văn Hiếu (83 tuổi, ngụ ấp Bình Phó B, P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) lúc nào cũng có khách từ khắp nơi tìm đến mua “thuốc” và học hỏi bí kíp giữ mai lâu tàn.

Những ngày giáp tết, nhà ông Phạm Văn Hiếu (83 tuổi, ngụ ấp Bình Phó B, P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) lúc nào cũng có khách từ khắp nơi tìm đến mua “thuốc” và học hỏi bí kíp giữ mai lâu tàn.

Thành công với 'bí kíp' giữ hoa mai lâu tàn
 Ông Hiếu giới thiệu sản phẩm “Hợp chất đa vi lượng” giúp giữ hoa mai lâu tàn - Ảnh: Mai Trâm
10 năm nghiên cứu “bí kíp”
Lần đầu tiên ông Hiếu mang sản phẩm mai không rụng trưng bày tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế Cần Thơ năm 1995 đã nhận ngay bằng khen của ban tổ chức về sản phẩm Mai không rụng. Đến năm 1997, ông đạt giải thưởng Bông lúa vàng về kỹ thuật xử lý mai nở không rụng. Gần đây nhất, ông Hiếu được mời tham dự Hội chợ nông nghiệp quốc tế Cần Thơ 2014, được Sở Công thương mời tham gia nhiều sự kiện về nông nghiệp trên khắp cả nước.
Theo ông Hiếu, trước đây mai chưng tết thường hay bị rụng rất sớm, có khi chỉ mùng 2, mùng 3 tết là không còn bông. Gia đình ông có truyền thống trồng mai nên từ năm 1983, ông đi khắp nơi để tìm hiểu nguyên nhân mai rụng sớm. Sau đó, ông vào Trường ĐH Cần Thơ học “lóm” các chuyên gia về cây trồng và phát hiện ra hợp chất đa vi lượng trên nền tảng nguyên tố NPK có tên gọi là GA-3 có thể giữ cho bông mai không rụng từ 7 - 10 ngày sau khi nở. Từ đó, ông bắt đầu thử nghiệm sản xuất loại hợp chất đa vi lượng này. Trong quá trình nghiên cứu, ông đã bị thiệt hại hàng trăm gốc mai vì nền vi lượng NPK quá nhỏ và kỹ thuật ứng dụng chưa đúng. Không nản lòng, ông lại tiếp tục nghiên cứu kết hợp công thức do chính mình phát hiện ra cùng với 2 loại hóa chất nhập từ nước ngoài về. Từ đó, hợp chất mới do ông Hiếu nghiên cứu đã đủ vi lượng cần thiết để mai nở lâu tàn.
Đến năm 1993, ông Hiếu đã có trong tay “bí kíp” giữ mai lâu rụng với tên gọi Hợp chất đa vi lượng. Ông Hiếu cho biết lúc bấy giờ, dù đã có trong tay công thức Hợp chất đa vi lượng nhưng lại gặp khó khăn khác vì các thành phần hợp chất này đa số phải nhập từ nước ngoài, trong nước sản xuất được nhưng giá thành rất cao vì chưa có máy móc. Do nhu cầu sử dụng rất lớn nên ông Hiếu phải vay mượn thêm tiền lên TP.HCM đặt hàng mới có thể bào chế ra số lượng lớn, đủ phục vụ cho nhu cầu chăm sóc mai của người dân trong những ngày tết.
Làm giàu từ cây mai
Sau khi áp dụng công thức Hợp chất đa vi lượng kết hợp với sử dụng đúng kỹ thuật, cứ mỗi năm tết đến là vườn mai của ông Hiếu không đủ cung cấp cho thị trường. Tiếng lành đồn xa, ông được nhiều hộ gia đình, cơ quan mời làm dịch vụ chăm sóc mai tết, nhiều cơ sở hoa kiểng nổi tiếng ở TP.HCM mời thuyết trình về kỹ thuật chăm sóc hoa kiểng. Rồi danh tiếng của ông được cả nước biết đến, người ta cứ tới tìm mua sản phẩm. Từ ngày sản phẩm Hợp chất đa vi lượng mang thương hiệu Năm Hiếu ra đời đã giúp cho hàng ngàn gốc, cành mai khắp cả nước trở nên rực rỡ trong những ngày xuân. Ngoài ra, công thức và kỹ thuật của ông Hiếu còn có thể áp dụng cho các loại cây hoa kiểng như hoa đào, hoa giấy và một số cây nông nghiệp, giúp nhiều nông dân sống được với nghề.
Mới đây, khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Hiếu không ngần ngại tiết lộ kỹ thuật giúp giữ hoa được lâu. Ông cho biết muốn giữ cho hoa mai khoe sắc lâu trong những ngày tết, nếu xử lý đúng thì ngày 12 - 15 tháng Chạp là lặt bỏ lá, cũng có thể thay thế bằng cách phun thuốc cho lá tự rụng. Đến khoảng 23 tết thì mai bung vỏ lụa cho ra nụ nhỏ. Từ 27 tết trở đi, khi mai bắt đầu nở bông thì phun Hợp chất đa vi lượng và trong vòng 7 - 10 ngày sau bông vẫn nở đẹp. “Tuy nhiên, khi sử dụng phải đúng kỹ thuật, liều lượng và thời điểm thì mới cho kết quả tốt nhất”, ông Hiếu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.