Chiều 2.11, tại buổi họp báo do tỉnh Lâm Đồng tổ chức, ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, cho biết UBND huyện đang đề xuất Huyện ủy thành lập Ban chỉ đạo xử lý việc xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại “làng biệt thự” dưới chân núi Voi.
Ông Hoàng cho biết trong số hàng chục ngôi nhà xây dựng trái phép tại “làng biệt thự” dưới chân núi Voi, có 42 căn nhà tạm của đồng bào. Nhưng thời gian gần đây có tình trạng người Kinh đến mua, “cải tạo” lại nhà (?). Khi cơ quan chức năng của xã Hiệp An và H.Đức Trọng đến kiểm tra thì vắng chủ; những người thi công nhà chỉ nói nhà của đồng bào dân tộc.
Cũng theo ông Hoàng, từ tháng 7.2019 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện lập biên bản 13 công trình vi phạm nhưng chỉ có 3 công trình xác định được chủ là ông Đào Văn Quyền; còn 10 công trình chưa xác định được chủ. Hiện UBND huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế đối với 3 ngôi nhà sai phạm.
Tại buổi họp báo, ông Hoàng cho biết thêm, thời gian qua có trường hợp ông Nguyễn Thanh Hùng (còn gọi là Của, ngụ xã Hiệp An), được các hộ đồng bào ở Đarahoa ủy quyền để khiếu kiện, đề nghị tỉnh xem xét thu hồi 45 ha đất do Công ty Phương Nam đang giao cho họ quản lý (đang bị lấn chiếm, dựng nhà trái phép - PV) trả lại cho đồng bào. Theo nhận định của ông Hoàng, đây là cuộc tranh chấp đất với chủ dự án và tỉnh đang xem xét, giải quyết đơn của ông Hùng; chưa có quyết định chính thức thu hồi hay không thu hồi đất.
Sau khi báo chí phản ánh, huyện chỉ đạo lập chốt 24/24 để ngăn chặn việc xây dựng trái phép tại khu vực này; đồng thời giao công an làm rõ có hay không việc ông Nguyễn Thanh Hùng kích động, xúi giục đồng bào bán đất, ngăn cản các đoàn kiểm tra…
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty điện lực Lâm Đồng, cho biết đơn vị này đã thanh lý hợp đồng mua bán điện với ông T.H.H, người cấp điện cho các hộ xây dựng nhà trái phép tại “làng biệt thự” dưới chân núi Voi. Lý do, ông H. có hành vi kê khai gian dối trong hồ sơ xin cấp điện và sau khi được cấp điện lại cung cấp cho các hộ xây dựng nhà trái phép dưới chân núi Voi. Cụ thể, ông T.H.H cung cấp các hồ sơ để mua bán điện với Điện lực Đà Lạt là không đúng với vị trí thực tế công trình đường dây trung thế và trạm biến áp xây dựng mới.
Cũng theo ông Dũng, việc Điện lực Đà Lạt đồng ý cấp điện cho ông T.H.H dựa trên văn bản xác nhận vị trí, mục đích sản xuất nông nghiệp của UBND P.3, TP.Đà Lạt, là không có gì sai; thực hiện đúng theo trình tự trong Quyết định số 1459/QĐ- UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, theo ông Dũng, công trình xây dựng mới đường dây trung thế và trạm biến áp 75 kVA nêu trên là do ông T.H.H tự bỏ kinh phí đầu tư và trực tiếp thuê Công ty Minh Cường thi công; Điện lực Đà Lạt không thi công công trình này. Từ ngày 10.9, Điện lực Đà Lạt lắp đặt điện kế và thực hiện nghiệm thu đóng điện cho ông T.H.H. Việc ký hợp đồng mua bán điện với ông T.H.H chỉ được thực hiện bán điện tại 75 kVA xây dựng mới cho cá nhân ông T.H.H cung cấp điện với mục đích sản xuất nông nghiệp, không thực hiện bán lẻ cho từng hộ dân tại khu vực thôn Đarahoa.
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh việc xây dựng trái phép hàng chục ngôi nhà tại “làng biệt thự” dưới chân núi Voi, UBND P.3 có Thông báo số 156/UBND-ĐC thu hồi đơn xác nhận địa điểm sử dụng điện của ông T.H.H. Trong thông báo ghi rõ: “Do nhầm lẫn trong việc xác định vị trí đất nêu trên đối với ông T.H.H, do đó UBND P.3, TP.Đà Lạt xác nhận đơn cho ông để bổ túc hồ sơ mua điện ngày 31.7.2020 cho ông T.H.H là chưa được chính xác”.
Bình luận (0)