Thành lập doanh nghiệp xã hội trong trường đại học

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
09/04/2019 21:22 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, thành lập doanh nghiệp xã hội trong trường ĐH đang là xu thế hiện nay trên thế giới.

Sáng nay 9.4, trao đổi tại hội thảo "Thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong trường ĐH" do Bộ GD-ĐT, Hội đồng Anh và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đồng tổ chức, PGS.TS Neil Stott, Giám đốc chương trình thạc sĩ sáng tạo xã hội, đồng giám đốc Trung tâm sáng tạo xã hội, Trường kinh doanh Judge (ĐH Cambridge - Anh), cho rằng thế hệ người trẻ ngày nay không muốn làm việc như ngày xưa, nhất là làm trong công ty không có tiếng tốt, không có đóng góp gì cho xã hội. Rất nhiều người trẻ đi làm việc thiện nguyện. Vì vậy, doanh nghiệp không đóng góp xã hội rất khó thu hút người tài. Những doanh nghiệp của phương Tây đang chú ý đến điều này khi tuyển dụng. Doanh nghiệp xã hội đang là xu thế và trong trường ĐH hiện nay cũng đang mở rộng những doanh nghiệp xã hội như vậy. 

Chẳng hạn, theo PGS.TS Neil Stott, tại ĐH Cambridge, hiện nay có chú trọng hướng đến 3 dạng khởi nghiệp. Đó là entrepreneurship (tinh thần khởi nghiệp), intrapreneurship (một người tài giỏi được thuê làm việc cho một công ty lớn và công ty này cung cấp các phương tiện làm việc tối ưu phục vụ cho việc nghiên cứu sáng tạo của người tài giỏi ấy), extrapreneurship (khái niệm của ĐH Cambridge, nghĩa là khởi nghiệp hợp tác, kết nối với xung quanh như lãnh đạo trường ĐH lập doanh nghiệp trong trường, tạo ra mạng lưới). Doanh nghiệp xã hội có thể là dự án do trường ĐH khởi xướng, là một cách để thực hiện cải tiến về mặt xã hội. Chẳng hạn, hiện nay tại ĐH Cambridge đã thành lập Trung tâm sáng tạo xã hội (The Cambridge Centre for Social Innovation). Trung tâm như vậy tự thân không giải quyết được các vấn đề của thế giới vì quy mô nhỏ nhưng để thảo luận về doanh nghiệp xã hội, kêu gọi doanh nghiệp góp tay vào. 

Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), ngày 8.4 vừa qua, trường đã ra mắt Công ty TNHH dịch vụ khoa học và du lịch Văn Khoa. Công ty ra đời hướng tới phục vụ cộng đồng, xã hội, để hỗ trợ người dân tiếp cận công bằng, bình đẳng, chia sẻ giá trị. Sinh viên cũng có thể chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của mình qua công ty này. 

Bà Lan cho rằng sự sáng tạo trong trường ĐH hiện nay đang thiếu môi trường. Vì vậy, trường đang hình thành môi trường khởi nghiệp từ trong thiết chế bộ máy đến hoạt động với doanh nghiệp. Tháng tới, trường cũng sẽ thành lập Trung tâm Giáo dục bền vững, là giải pháp cho phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT, Thủ tướng đã có quyết định về việc phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Trong đó, có nhắc đến việc tác động phương thức đào tạo, xây dựng đội ngũ, hình thành văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng… Mặt khác để tạo nên xã hội khởi nghiệp, giáo dục khởi nghiệp là khâu then chốt cần được quan tâm và đẩy mạnh. Vấn đề chính của giáo dục khởi nghiệp là đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực, xã hội đến khoa học - công nghệ, hay trở thành chuyên gia trong lĩnh vực họ học. Chương trình triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, từ các cơ sở đào tạo, hội nghị, hội thảo liên quan đổi mới sáng tạo trong các trường ĐH. Đặc biệt là hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường ĐH của Việt Nam và các trường hàng đầu trên thế giới. Trang bị hành trang cho các em trong tương lai nắm bắt cơ hội việc làm tốt hơn, đặc biệt khi các em mong muốn khởi nghiệp.

Theo ông Việt, Đề án 1665 đã triển khai được 2 năm. Trong đó, quan trọng là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường, tránh các hoạt động hô hào mà đi vào thực chất hơn. Nhà trường cần từng bước xây dựng thành tố bắt đầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường, trên cơ sở đó hình thành các trường ĐH theo định hướng khởi nghiệp, thay đổi mục tiêu giá trị của ĐH, từ chức năng truyền thụ kiến thức, đào tạo nhân tài chuyên gia tạo ra tri thức sang chuyển giao tri thức đó thành sản phẩm tạo ra giá trị cho cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.