Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Thu Hằng
Thu Hằng
07/10/2021 21:44 GMT+7

Sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, hôm nay 7.10, Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận .

Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Thông tin vừa được Bộ KH-CN cho biết tối nay.

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), Nhật Bản vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp.

Thanh long Bình Thuận trở thành sản phẩm nông sản thứ hai của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

MOST

Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.

“Tiến trình kéo dài hơn 3 năm và thực sự là một quá trình khó khăn. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ thanh long Bình Thuận vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kỹ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý”, ông Phí nói.

Theo Bộ KH-CN, đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…).

"Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì họ hiểu rằng, các sản phẩm này đã được Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”, ông Phí cho hay.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh này đã giao Sở KH-CN phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan hỗ trợ các hiệp hội nghề nghiệp đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho quả thanh long. Điều này đã nâng tầm danh tiếng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Hiện tại có 5 đơn vị của Bình Thuận đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và cũng là 5 nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản, gồm các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và TP.Phan Thiết.

Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15.11.2006 và ngày 8.7.2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”.

Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo…

Tuy nhiên, do bán trái tươi, không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu.

Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch khoảng 2 - 3%, còn lại bán qua biên giới cho thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngoài tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.