Bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ vựa thanh long Hiếu Ngọc ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, hiện nay các chủ vựa đến vườn chào giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thanh long để mua.
Ngồi nhìn chủ vựa đến hỏi mua hàng, anh Nguyễn Hoa, ở xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) cũng tiếc rẻ: “Đợt vừa rồi tôi bán một lứa hơn chục tấn, nhưng chỉ được giá hơn 8.500 đồng/kg. Vài ngày thì giá bất ngờ tăng, làm tôi thiệt thòi".
Từ nay đến Tết, nếu việc chong đèn thanh long trái vụ được làm đồng loạt, thiếu tính toán, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng dội hàng - Ông Ngô Minh Hùng - PGĐ Sở Công thương Bình Thuận |
Theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, sở dĩ hiện nay giá thanh long tăng là do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc rất cao. Phía Trung Quốc biết thời điểm này, ở Việt Nam đang vào thời kỳ cuối mùa vụ nên tranh thủ gom hàng làm cho giá cả tăng mạnh. "Các lái buôn thanh long Trung Quốc luôn “cắm” người ngay tại nhà vườn. Khi nguồn hàng dồi dào lập tức bị họ hạ giá xuống. Nói tóm lại là việc buôn bán thanh long đi Trung Quốc do họ điều tiết giá” - ông Hưng khẳng định.
Cũng theo ông Hưng, hiện nay việc xuất khẩu thanh long đi Trung Quốc rất thuận lợi. Thương lái chở hàng đến cửa khẩu, khai báo tên hàng, xuất xứ, số lượng... nhanh chóng được hải quan kiểm tra và cho xuất ngay.
Bình Thuận có diện tích thanh long 13.000 ha (lớn nhất cả nước) với sản lượng trái hơn 300.000 tấn mỗi năm. Nhưng có đến 75% sản lượng được xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 24.000 hộ nông dân trồng thanh long. Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cũng đang xúc tiến xây kho lạnh chứa thanh long ngay tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để tránh rủi ro cho những lúc bị “dội hàng”. |
Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Ngô Minh Hùng, năm nào việc bán thanh long đi Trung Quốc cũng bị “dội hàng” đôi ba lần. Đó là những lúc phía nội địa được mùa lê, táo, hay những lúc mùa đông lạnh giá, việc vận chuyển hàng đi các vùng phía bắc Trung Quốc gặp khó khăn. Họ chỉ cần ngưng hai ba ngày là các xe thanh long kéo dài hàng cây số ở Lạng Sơn. Có những lúc nguồn hàng Việt Nam đang dồi dào thì tự nhiên phía Trung Quốc “đóng cửa” không mua hàng. Điều này làm các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn bị động. “Từ nay đến Tết, nếu việc chong đèn làm thanh long trái vụ thực hiện đồng loạt, thiếu cân nhắc tính toán, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng dội hàng”, ông Hùng nói. Còn nhớ năm 2009, tình trạng này đã xảy ra khiến thanh long rớt giá thê thảm, nông dân lỗ nặng.
Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Bùi Đăng Hưng nói: “Mua bán không hợp đồng, họ thích thì mua, không thích thì ngưng. Nhưng vì đây là thị trường chính, lại không cần một thủ tục gì nên các doanh nghiệp vẫn đua nhau chở hàng đi Trung Quốc. Rủi ro cuối cùng vẫn là người nông dân gánh chịu”.
Quế Hà
Bình luận