Không lâu sau lần tâm sự đó, bà Ingela Ekblom là… "cô bảo mẫu" của chúng tôi khi bà phụ trách Chương trình Đào tạo cấp quốc gia về Quản lý chiến lược do Đại sứ quán Thụy Điển tài trợ. Nhóm gồm 3 thư ký tòa soạn phụ trách các ấn phẩm báo in là: Nguyễn Trọng Phước, Nguyễn Thế Vinh, Đỗ Hùng và tôi lúc bấy giờ là Phó tổng TKTS phụ trách báo điện tử. Chúng tôi có 10 tháng để tìm hiểu, trao đổi về mọi thứ xoay quanh môi trường truyền thông trong một bối cảnh thay đổi quá nhanh trên thế giới. Bà Ingela mời đến lớp những gương mặt rất nổi tiếng. Chuyên gia phụ trách khóa đào tạo là ông Ulric Rudebeck, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Urvision tại Stockholm (Thụy Điển).
Ông là một chuyên gia về quản trị nổi tiếng trên thế giới. Ông từng kinh qua nhiều vị trí quản lý doanh nghiệp, tham gia giảng dạy một số chương trình quản lý kinh tế - kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới. Cách dạy của ông là không kết luận hay đưa ra lời khuyên đúng hay sai. Ông luôn gợi mở và để chúng tôi tự tìm ra câu trả lời. Ngay cả mối bận tâm của chúng tôi về mối quan hệ của báo điện tử với các thế lực công nghệ số sẽ như thế nào.
Một chuyên gia khác là nhà báo Ulf Johansson, Tổng biên tập tờ Nerikes Allehanda. Ulf Johansson đã được nhắc đến nhiều trên truyền thông thế giới sau khi tờ báo của ông đăng một bức biếm họa hình ảnh nhà tiên tri Mohammed của họa sĩ Lars Vilks vào ngày 18.8.2007, để minh họa cho bài báo về vấn đề kiểm duyệt, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo của người Hồi giáo. Abu Omar al-Baghdadi, thủ lĩnh nhóm Quốc gia Hồi giáo ở Iraq đã treo thưởng ít nhất 100 ngàn USD cho đầu của Lars Vilks và nửa triệu USD cho đầu của Ulf. Ulf đến với chúng tôi khi ông đang có một quãng thời gian nghỉ ngơi trước khi bước sang làm Giám đốc Đài Truyền hình công Thụy Điển.
Khi khóa đào tạo gần kết thúc, tôi trình Ban Biên tập kế hoạch mời các chuyên gia về đào tạo cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Thanh Niên khắp cả nước. Ông Ulf Johansson lừng danh đã nhận lời đi "giang hồ hành hiệp" với chúng tôi từ Nam ra Bắc. Ông và chúng tôi trao đổi rất nhiều về xu hướng báo chí, về các nền tảng công nghệ số. Ông khiến chúng tôi phải suy nghĩ về đa phương tiện - multimedia; về tương tác có sự đóng góp của độc giả - interactive/social. Ai cũng nghĩ mình phải thay đổi và phải nhìn xa hơn nền tảng truyền thống mà thông tin đang trượt lên.
Trên đời này, có nhiều mối nhân duyên thật lạ kỳ. Trong khi chúng tôi đang lặng lẽ tìm hiểu về các ông lớn công nghệ, thì các ông ấy lại tìm đến mình. Vào năm 2011, ông Lý Hán Kiệt, Trưởng phòng Tiếp thị sản phẩm nghe nhìn của Sony Việt Nam gặp tôi và nói "Bây giờ là thời đại của Internet TV, chúng ta hãy cùng làm cái gì đó đi. Có gì ở Bắc Âu, Thanh Niên cứ thể nghiệm trên Sony". Chưa biết sẽ làm cái gì, sinh lợi ra sao, nhưng một nhóm chuyên gia phần cứng của Sony tại Mỹ nối kết với nhóm kỹ thuật viên, lập trình viên của Thanh Niên Online do Đinh Tuấn Thành phụ trách làm việc bất kể giờ giấc.
Thanh Niên Online kết hợp với Sony Việt Nam giới thiệu xu hướng báo chí và các nền tảng số đến với sinh viên ở Hà Nội, TP.HCM và Huế.
Không lâu sau, trên tất cả các TV Sony sản xuất tại Việt Nam đều có những app nội dung của Thanh Niên về các lĩnh vực: tin tức, thể thao, ẩm thực, giải trí trong chiến dịch quảng bá "Cung cấp trải nghiệm Internet TV tốt nhất với nội dung đỉnh cao". Sự kiện được quảng bá rầm rộ ở trung tâm TP.HCM và Hà Nội. Tự nhiên chúng tôi thấy run vì không biết công chúng có chấp nhận loại hình này khi truyền hình truyền thống đang chiếm thượng phong.
Ông Kiệt nhớ lại: "Lúc đó, tất cả các công ty con của tập đoàn Sony cũng đang chập chững tìm tòi cách kết nối. Thời điểm bắt đầu làm chỉ có Sony Bắc Mỹ, Sony UK, và Sony Taiwan làm thử nghiệm trước. Rồi khoảng một năm sau, Sony VN được yêu cầu. Nhưng VN đã vượt mặt họ về tốc độ tăng trưởng về lượng truy cập nội dung. Năm 2012 - 2013, VN luôn nằm trong tốp 5 toàn cầu về lượng truy cập nội dung trên Internet TV. Các nước Đông Nam Á lúc đó không còn là đối thủ của VN, cả về lượng bán TV và mức độ quan tâm về nội dung của khách hàng. Thời điểm đó, công nghệ TV Sony thua Samsung. Nội dung trên TV là điểm duy nhất giúp Sony VN cạnh tranh tại VN".
Và nội dung trên Internet TV Sony lúc đó ngoài âm nhạc của Zing MP3 thì toàn bộ những nội dung còn lại đều từ TNO trượt lên. Những tích hợp ban đầu giữa phần cứng và nội dung của Sony VN và Thanh Niên được xem là bước đi tiên phong của những nội dung VOD thông dụng hiện nay. Và cũng chính từ thành công này mà Sony VN cùng Thanh Niên Online bắt tay làm nhiều cuộc chơi mới. Từ cảm hứng chuyến "giang hồ hành hiệp" của ông Ulf mà sau đó chúng tôi cùng Sony và Trung tâm đào tạo Arena đi tập huấn cho các phóng viên tác nghiệp bằng điện thoại cầm tay và sản xuất các nội dung multimedia để trượt lên các hệ sinh thái khác nhau.
Không lâu sau đó một ông trùm công nghệ khác của Việt Nam lại tìm đến chúng tôi - FPT Telecom. Không như những lần hợp tác trước liên quan đến data center hay dịch vụ đường truyền cáp quang. Lần này lại là dịch vụ truyền hình trực tuyến trên nền tảng OTT. Tôi nhớ cả hai ông Nguyễn Văn Khoa - CEO FPT và Vũ Anh Tú - CTO FPT lúc đó đang là sếp tổng và phó tổng của FPT Telecom. Cả hai ông đều chọn Thanh Niên Online để làm đối tác về sản xuất nội dung số. Hai ông hào phóng "chia sẻ" luôn cả dàn quản lý cấp trung và các chuyên gia công nghệ cho Thanh Niên và nói: "Thanh Niên xài các bạn đi miễn sao tiến độ công việc của chúng ta phát triển nhanh". Mảng nội dung FPT Play ưu tiên chọn từ Thanh Niên là giáo dục với các chương trình trực tuyến Tư vấn mùa thi.
Ông Vũ Anh Tú cho biết Chương trình tư vấn tuyển sinh của TNO có Bộ trưởng GD-ĐT tham gia phát trên nền tảng FPT Play đã có 9,9 ngàn view trên mobile và 19 ngàn view trên web, tương đương lượt xem của một kênh truyền hình phổ biến. Lúc đó, ông Vũ Anh Tú cho rằng ông khá ngạc nhiên với số liệu này và chỉ đạo cho FPT Play làm ngay mục VOD để các user xem lại.
Cuộc bắt tay với Sony hóa ra lại là cầu nối vô hình sau đó. Còn nhớ, vào năm 2013, khi nhu cầu người dùng trên app TV ngày càng cao thì Sony chủ động tài trợ cho TNO sản xuất chương trình truyền hình thực tế "Fun House - Chỉ là chuyện nhỏ!". Với 200 tập, series hướng đến một chương trình giải trí mới mẻ, hiện đại và hài hước cho khán giả xem truyền hình và cộng đồng mạng. Lúc đó, Thanh Niên đã chú trọng đến nền tảng Facebook. Các clip đưa lên fanpage luôn có lượt view từ 10 đến 20 ngàn view, đây là số liệu rất đáng kể vào thời điểm đó.
Chiến dịch quảng bá Cung cấp trải nghiệm Internet TV tốt nhất với nội dung đỉnh cao.
Cũng vào thời điểm này, dường như sốt ruột với ông lớn đang lên Facebook, Google quyết định đánh mạnh cho mạng xã hội Google Plus của mình. Khi vào thị trường Việt Nam, Google lại tìm đến Thanh Niên Online đầu tiên để thuyết phục TNO cùng Google thực phiên bản beta cho Google Plus, phát triển Báo Thanh Niên trên Google+, hỗ trợ Thanh Niên phát triển cộng đồng này. Bà Amy Kunrojpanya, Giám đốc Truyền thông, Indonesia và khu vực Mê Kông (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar) thuộc Google Châu Á Thái Bình Dương liên hệ với tôi và nói rằng: "Amy muốn sắp xếp một hội thảo nhỏ, có lẽ chỉ dành cho tổ chức của Thanh Niên để nói về một số ý tưởng chúng ta có thể làm cùng nhau. Ví dụ như series video mới giữa Fun House và G +, để phát triển hình ảnh Báo Thanh Niên như một người đi đầu trong kỹ thuật số và nhà sáng tạo thực sự, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Google+ được xây dựng trên cơ sở một giao thức (layer) không chỉ tích hợp các dịch vụ xã hội khác nhau của Google, như Google Profiles và Google Buzz, mà còn giới thiệu nhiều chức năng mới như Circles, Hangouts, Sparks và Huddles. Đây được coi là nỗ lực lớn nhất của Google nhằm chống lại đối thủ là mạng xã hội Facebook vốn đã đạt được hơn một nửa tỉ người sử dụng vào năm 2010.
Sau đó, Amy sắp xếp một chuyến làm việc khác giữa team công nghệ TNO với với ông Alex Lindsay, sáng lập viên của Tập đoàn Pixel, một huyền thoại trên thế giới về kỹ thuật số đã giúp phát triển Hangouts cho NASA và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Nội dung xoay quanh việc hiểu, tạo và phát triển Google+ cho Thanh Niên trên cộng đồng này. Hangouts là chức năng được sử dụng để hỗ trợ video chat theo nhóm. Vào thời điểm đó, việc được vận hành chức năng này đã giúp TNO rất nhiều trong việc họp trực tuyến với các văn phòng địa phương. Riêng với Streams, người dùng thấy được các cập nhật mới nhất từ những nhóm circles của họ, chức năng này tương tự Facebook news feed. Google+ ra mắt toàn cầu năm 2011; năm 2013 vào thị trường Việt Nam qua phiên bản beta với Thanh Niên. Rất tiếc đến năm 2019, Google đóng ứng dụng này.
Sau đó là nhiều cuộc làm việc cùng nhau khác để TNO là đối tác đầu tiên - thể nghiệm các dịch vụ của Google cũng như YouTube cả về bản quyền nội dung và công cụ kiếm tiền. Và Thanh Niên luôn có một mối quan hệ mật thiết với Văn phòng Google Đông Nam Á từ mối duyên ban đầu cho đến hiện nay.
Nghĩ lại những cuộc đồng hành cùng các ông trùm công nghệ đã khiến cho chúng tôi đã trở nên hữu ích. Và đó là hạnh phúc. Hạnh phúc khi bắt đầu hành trình chứ không chỉ là đích đến.
Bình luận (0)