Thanh niên trường học phải đối mặt với áp lực lớn

Vũ Thơ
Vũ Thơ
18/07/2024 18:20 GMT+7

Đó là chia sẻ của đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo của Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII, trình Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX.

Chiều 18.7, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo của Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII, trình Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hội nghị có sự chủ trì của anh Nguyễn Kim Quy, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Xuân Hiếu, Phó chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Hội nghị lấy ý kiến thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực, văn nghệ sĩ, cơ quan báo chí vào dự thảo báo cáo lần thứ 10.

Thanh niên trường học phải đối mặt với áp lực lớn- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Kim Quy và anh Nguyễn Xuân Hiếu chủ trì hội nghị

BẢO LÂM

Dự kiến triển khai 2 đề án

Phát biểu tại hội nghị, anh Nguyễn Xuân Hiếu đã thông tin về những nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, dự kiến Hội sẽ sẽ triển khai 1 phong trào, 1 chương trình.

Trong đó có phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi" gồm 5 nhóm giải pháp: Thanh niên Việt Nam yêu nước; Thanh niên Việt Nam tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Thanh niên Việt Nam học tập, sáng tạo, khởi nghiệp; Thanh niên Việt Nam tình nguyện vì cộng đồng; Thanh niên Việt Nam đoàn kết, hội nhập.

Thanh niên trường học phải đối mặt với áp lực lớn- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu thông tin tại hội nghị

XUÂN TÙNG

Chương trình "Xây dựng Hội vững mạnh" gồm các nội dung: về công tác cán bộ Hội; công tác hội viên; công tác xây dựng tổ chức cơ sở Hội; củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức thành viên tập thể của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên Việt Nam ở nước ngoài và công tác quốc tế thanh niên, công tác kiểm tra, khen thưởng của Hội.

Các đề án trọng tâm triển khai trong nhiệm kỳ 2024 - 2029, dự kiến triển khai 2 đề án, bao gồm: Đề án "Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029"; Đề án "Đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân và lao động trẻ giai đoạn 2024 - 2029".

Cần thành lập mô hình tư vấn tâm lý

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, anh Chu Đức Hà, giảng viên Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), đã nhận định: thanh niên trường học đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai quốc gia. Họ là lực lượng ưu tú, năng động, sáng tạo, sử dụng thành thạo các nền tảng số và có xu hướng di động cao. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với thách thức, trong đó có thách thức liên quan đến áp lực học tập và kỳ vọng xã hội.

Thanh niên trường học phải đối mặt với áp lực lớn- Ảnh 3.

Anh Chu Đức Hà cho rằng thanh niên trường học ở Việt Nam phải đối mặt với áp lực lớn từ việc học tập và kỳ vọng của gia đình, xã hội

BẢO LÂM

"Thanh niên trường học ở Việt Nam phải đối mặt với áp lực lớn từ việc học tập và kỳ vọng của gia đình, xã hội về thành tích học tập và tương lai nghề nghiệp, dẫn đến căng thẳng và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Học sinh, sinh viên thường phải đối diện với khối lượng bài vở nặng nề, các kỳ thi liên tiếp và yêu cầu đạt điểm số cao để vào các trường đại học danh tiếng hoặc có cơ hội nghề nghiệp tốt. Gia đình và xã hội đặt ra những kỳ vọng lớn về thành công, khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực. Sự cạnh tranh gay gắt và nỗi lo sợ thất bại có thể gây căng thẳng tinh thần, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tâm lý", anh Hà chia sẻ.

Anh Hà cho biết, các sự việc đáng tiếc gần đây, như các vụ tự tử, trầm cảm, và lo âu gia tăng, minh chứng cho tác động tiêu cực của áp lực này. Có những trường hợp học sinh không chịu nổi sức ép từ kỳ vọng đã chọn cách giải thoát bi thảm. Điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận giáo dục và sự quan tâm từ xã hội đối với sức khỏe tinh thần của thanh niên.

"Tổ chức Hội cần phối hợp với tổ chức Đoàn trong trường học thành lập mô hình tư vấn tâm lý. Đặc biệt phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi", anh Hà đề xuất.

Tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên

Là thủ lĩnh của nhóm thiện nguyện FAS Angel, anh Phạm Quốc Việt cho biết với 5 năm tham gia cứu nạn giao thông, anh ghi nhận có tới 90% đối tượng gặp tai nạn là thanh niên, liên quan đến sử dụng rượu bia và gây rối trật tự công cộng. "Tôi có tìm hiểu và được trả lời là do các bạn trẻ thiếu sân chơi lành mạnh", anh Việt nói.

Thanh niên trường học phải đối mặt với áp lực lớn- Ảnh 4.

Các đại biểu tham gia phát biểu tại hội nghị

XUÂN TÙNG

Theo anh Việt, các cấp bộ Hội cần xem xét tổ chức sân chơi lành mạnh cho thanh niên và đẩy mạnh giáo dục pháp luật ngay từ khi các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường để tuyên truyền về văn hóa giao thông.

"Cần tạo ra sân chơi cho thanh niên, đồng thời tuyên truyền pháp luật và kỹ năng sống cho thanh niên. Ví dụ các nghệ sĩ trẻ cần sáng tác và biểu diễn những bài hát hay để lan tỏa những điều tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của thanh niên; tạo chương trình hay cho thanh niên tham gia", anh Việt đề xuất.

Thanh niên trường học phải đối mặt với áp lực lớn- Ảnh 5.

Anh Nguyễn Kim Quy phát biểu tại hội nghị

ĐĂNG HẢI

Về khẩu hiệu hành động, hầu hết các đại biểu chọn phương án 1 vì mềm mại, truyền tải thông điệp một cách dễ hiểu, dễ nhớ.

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Nguyễn Kim Quy ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời cho biết Hội tiếp tục xây dựng, bổ sung nội dung vào dự thảo báo cáo và thực hiện các bước xin ý kiến tiếp theo để hoàn thiện báo cáo, trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, diễn ra vào tháng 12 tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.