Thanh niên xây dựng nông thôn mới: Chinh phục đồng hoang

03/03/2012 03:10 GMT+7

Nhiều cánh đồng chiêm trũng xã Sông Lô giờ đây trở thành những “ao vàng” khi mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi trồng thủy sản.

Nhiều cánh đồng chiêm trũng xã Sông Lô giờ đây trở thành những “ao vàng” khi mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi trồng thủy sản.

Vượt qua quy luật tự nhiên

5 năm về trước, cánh đồng khu 8 xã Sông Lô (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) rộng hàng chục hecta là vùng ruộng trũng, mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa, thời gian còn lại bỏ đất hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Trở về quê sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành cơ điện, Lê Đức Việt là người tiên phong chinh phục đồng hoang.

Việt vận động gia đình đổi ruộng màu mỡ lấy ruộng trên đồng chiêm trũng, múc đất đắp bờ ao nuôi cá. Ý tưởng của Việt khiến người dân trong xã giật mình. Xưa nay, người nông dân ở dây mặc nhiên chấp nhận quy luật tự nhiên, canh tác một vụ, chưa ai từng nghĩ sẽ chinh phục cánh đồng hoang này.

Chuẩn bị cho kế hoạch táo bạo này, Việt nghiên cứu từng mô hình nuôi trồng thủy sản rồi rút ra bài học phù hợp áp dụng trong điều kiện tự nhiên tại địa phương. Chưa một ngày học nuôi cá, Việt tìm đọc thông tin trên các sách chuyên ngành, internet, kết hợp tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các hộ gia đình đang nuôi cá tại xã. Khởi nghiệp với phương châm: lấy ngắn nuôi dài, ngay khi bắt đầu thả cá, trên bờ ao, Việt cho làm chuồng nuôi thêm lợn gà, trồng thêm rau, cây ăn quả ngắn ngày chủ động cung cấp thức ăn tự nhiên cho ao cá. Số tiền thu từ nguồn tăng gia giúp chàng trai trẻ trụ vững trước những khó khăn trong suốt vụ cá đầu tiên. Trừ chi phí, Việt thu về hàng chục triệu đồng tiền lãi.  Trang trại nuôi cá với cây ăn trái xanh tốt sừng sững giữa cánh đồng hoang khiến người dân trong xã nể phục.

 
Nghề nuôi cá giúp nhiều thanh niên ở xã Sông Lô làm giàu - Ảnh: P.H 

Bám trụ quê nhà, chí thú làm ăn

Cùng lấn đồng hoang, nhiều hộ gia đình thanh niên ở Sông Lô giờ đã có của ăn của để, làm chủ những trang trại nuôi trồng thủy sản trị giá hàng tỉ đồng, tạo việc làm thời vụ cho lao động địa phương lúc nông nhàn.

Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, Lê Quang Dự, sinh năm 1982 giờ đã là ông chủ sở hữu trang trại nằm trong số quy mô hoành tráng nhất xã với 2 ao nuôi cá rộng hơn 1.000 m2; trong chuồng lúc ít nhất có hai chục con lợn. Dựng lều múc đất làm trang trại khi không một xu dính túi, không có tài sản thế chấp, Dự nhờ người thân vay giúp 70 triệu đồng làm vốn nhưng mọi người ra sức ngăn cản. Cuối cùng vợ chồng Dự tìm mọi cách vay vốn ngân hàng. Gần 3 năm làm kinh tế, Dự đã “chôn” vào trang trại ngót nửa tỉ đồng làm kè cứng hóa bờ ao, xây thêm chuồng nuôi lợn gà. Bù lại mỗi năm, vợ chồng Dự thu về không dưới trăm triệu tiền lãi. “Tôi không nghĩ mình liều lĩnh khi đầu tư làm trang trại trên cánh đồng này. Tôi nghĩ rằng, làm kinh tế nếu có kế hoạch, lộ trình rõ ràng thì phải mạnh dạn đầu tư. Mình còn trẻ chẳng may thất bại vẫn còn đủ thời gian làm lại từ đầu”, Dự chia sẻ.

Thành công từ nuôi cá thương phẩm, Việt và Dự là những người đi đầu vận động thành lập câu lạc bộ (CLB) thanh niên nuôi trồng thủy sản, quy tụ bạn trẻ cùng sở thích. Mỗi quý một lần, CLB tổ chức gặp gỡ, tạo diễn đàn sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên. Bên cạnh đó, các hội viên chủ động kêu gọi thành lập quỹ riêng. Ngoài góp vốn ban đầu một triệu đồng/năm, hằng tháng hội viên tiết kiệm cho quỹ 500 nghìn đồng/người/tháng. Khi các hội viên gặp khó khăn hay rủi ro, ban chủ nhiệm CLB đề xuất từng hoàn cảnh, xuất quỹ cho vay vốn không lãi suất. Gần 3 năm hoạt động, CLB đã kết nạp 29 hội viên, mồ hôi công sức lao động của họ đã biến đồng hoang thành vựa cá trù phú nức tiếng khắp vùng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tảo - Chủ tịch UBND xã Sông Lô, tự hào cho rằng trang trại nuôi trồng thủy sản do thanh niên làm chủ đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng quê mà cây lúa chiếm thế độc canh từ nhiều đời nay. “Số lượng thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa, tìm việc ở các thành phố giảm rõ rệt qua từng năm. Thay vào đó họ lựa chọn bám trụ quê nhà chí thú làm ăn, đầu tư vào chăn nuôi sản xuất, dịch vụ nông nghiệp làm giàu cho bản thân trên mảnh đất quê hương”, ông Tảo nói.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.