Trước đây người ta chỉ nghe phụ nữ Vân Kiều dệt vải chứ chưa nghe đàn ông “giành” ngồi bên khung cửi bao giờ.
Ấy thế mà Hồ Văn Hồi (bản Pa Nho, thị trấn Khe Sanh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) lại nức tiếng là một bậc thầy dệt thổ cẩm. Không những thế, anh còn đi khắp nơi truyền dạy cho mọi người kỹ thuật để làm nên những thước vải gấm hoa.
“Thích thì mần!”
Khe Sanh mờ sương vào những ngày cuối tháng 2. Chúng tôi len lỏi theo một con đường nhỏ rời xa trung tâm thị trấn sầm uất để đến bản Pa Nho. Trong một căn nhà sàn như bao gian nhà khác nằm tựa lưng vào vách núi, tiếng kẽo kẹt của khung cửi vọng ra đều đều. Bước lên nhà, thoáng thấy một gã đàn ông lực lưỡng, có phần thô ráp đang ngồi bên khung cửi, chúng tôi suýt phì cười. Nhưng sau đó đã phải mắt tròn mắt dẹt khi liếc theo đôi tay lẹ làng của anh đưa từng đường tơ, sợi chỉ mỏng dính. “Ngạc nhiên hả, đàn ông Vân Kiều không làm thì thôi chứ làm gì cũng nên trò, kể cả những việc của đàn bà…” - Hồi không giấu vẻ tự hào.
|
Thực ra, Hồi thuộc vào diện “hàng hiếm” của bản, của vùng núi rừng này. Trai Vân Kiều đi rừng, săn bắn giỏi thì dễ chứ nói khéo tay như anh không phải ai cũng làm được. Cơ duyên để Hồi biết nghề dệt thổ cẩm cũng chẳng giống ai. Cách đây hơn chục năm, nghe tin Hội Phụ nữ H.Hướng Hóa mở lớp dạy nghề cho chị em, Hồi xin xỏ mãi mới được một suất. “Mình thích dệt vải từ lâu rồi nhưng đâu có ai dạy cho, lần đó phải xin cho bằng được chứ không thì mất cơ hội. Thích thì mần chứ kể chi trai gái…” - dù đã chớm tuổi 40 nhưng Hồi vẫn ngượng nghịu kể lại.
Với những kiến thức mới lĩnh hội được, Hồi đã từng vội vàng ngồi ngay vào khung cửi, hì hục dệt nhưng rồi anh nhận ra rằng những gì mình biết quá khiêm tốn so với ngón nghề truyền thống cả mấy trăm năm. Anh tiếp tục xách ba lô lên đường, chỉ cần nghe ai mách ở đó có thầy giỏi thì dù có xa xôi mấy Hồi cũng tìm đến bằng được.
Hiện nay vải do Hồi dệt ra được nhiều người yêu thích, dẫu muốn mua cũng chưa chắc có. “Mình đã làm hết công suất để chỉ trong vòng 5, 6 ngày là xong một tấm vải nhưng vẫn không kịp. Phần vì người mua đông quá, phần vì mình cũng không muốn quá dễ dãi với thứ mình làm ra…” - Hồi nói.
Truyền nghề
Sau thời gian tầm sư học đạo rồi làm con ong chăm chỉ ngày ngày dệt vải, Hồi chợt nhận ra rằng “nếu chỉ dệt một mình thì buồn lắm!”.
Anh quyết định rẽ sang một ngã khác, dạy cho mọi người biết cách dệt vải. Hồi bảo: “Mình ngày xưa đi tìm thầy để học rất gian nan nên giờ muốn cho mọi người không phải cực như mình, ai muốn học mình đều dạy hết”.
Ban đầu, học viên của Hồi là những em nhỏ, người trẻ mê dệt vải xung quanh bản, ai thích thì đến nhà học, Hồi không lấy một đồng. Nhưng dạy ở nhà chưa đủ, Hồi mở lớp ở nhiều nơi khác, hễ có ai gọi là anh đi, có khi chỉ một tuần, có khi cả tháng. Dấu chân của Hồi đã về tới những nơi xa xôi nhất như Tà Rụt, A Ngo (H.Đakrông) hay mấy xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa. Trong khi tiền công “làm thầy” của Hồi chẳng đáng bao nhiêu, may lắm chỉ đủ cho anh lo việc cơm nước trong thời gian đi dạy. “Dù vậy mình vẫn vui vì gặp lại hình ảnh của chính mình thời trẻ. Mình dạy cho họ biết đâu sau này họ lại dạy lại cho con cháu mình thì sao. Giờ mà mình giấu nghề thì lúc chết cũng bằng không…” - Hồi cười nói sảng khoái.
Để ổn thỏa giữa việc “vác tù và hàng tổng” - truyền dạy nghề truyền thống và nuôi sống gia đình, Hồi phải lao động gấp 2, 3 ngày trước. Vậy nhưng anh vẫn yêu đời và tìm được nhiều thú vui khác trong âm nhạc. Bởi Hồi còn được dân bản xem là “nghệ nhân” khi biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc như khèn be, thanh la…
Trong chút khói sương mờ ảo của miền sơn cước, Hồi nổi hứng cầm khèn be biểu diễn cho chúng tôi nghe. Từ cuối bếp, con gái của Hồi đang dệt vải, tiếng lách cách của khung cửi hòa với tiếng khèn be dệt nên một thứ âm thanh thanh thoát đến lạ kỳ.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)