Thành phố áo dài

09/03/2015 08:13 GMT+7

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 2-2015 diễn ra trong hai ngày 7 và 8.3 tại Công viên văn hóa Đầm Sen.

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 2-2015 diễn ra trong hai ngày 7 và 8.3 tại Công viên văn hóa Đầm Sen. 
Các thí sinh trình diễn trong cuộc thi Duyên dáng áo dài - Ảnh : H.Đ.NCác thí sinh trình diễn trong cuộc thi Duyên dáng áo dài - Ảnh : H.Đ.N
Lễ hội năm nay với chủ đề TP.HCM - Thành phố áo dài, với nhiều hoạt động văn hóa như: Cuộc thi Duyên dáng áo dài, cuộc thi ảnh đẹp áo dài, thi vẽ áo dài trên giấy (dành cho thiếu nhi), Triển lãm và tọa đàm về áo dài...
Trong đêm khai mạc (7.3), ngoài các vị lãnh đạo thành phố còn có sự hiện diện của đại diện các lãnh sự quán trên địa bàn TP.HCM. Các vị khách nước ngoài này đã thực sự bị chiếc áo dài VN cuốn hút qua các màn trình diễn rất ấn tượng của các người mẫu và cả ở trang phục áo dài của khách tham dự lễ hội. Ca sĩ người Mỹ Kyo York, cô bé ca sĩ nhí Uyên Nhi, ca sĩ Thủy Tiên, nhóm Mắt Ngọc và các người mẫu của PL Group... cũng đã hoàn thành xuất sắc những tiết mục ca nhạc kết hợp trình diễn thời trang áo dài VN.
Chúng ta nên thường xuyên sử dụng áo dài trong những dịp lễ hội, lễ tết... Tôi cũng sẽ đề xuất một ngày toàn thành phố mặc áo dài
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
Đa sắc màu
Cuộc thi Duyên dáng áo dài có 160 đơn vị dự thi ở bảng A (dành cho tập thể) và 260 thí sinh ở bảng B (cá nhân). Nhiều đơn vị đã đầu tư mạnh về phục trang cũng như bài bản chương trình. Hội Phụ nữ công an TP.HCM với 4 nữ sĩ quan (cấp bậc thiếu úy và trung úy) đều cao trên 1,7 m trong trang phục cung đình rực rỡ. Hội Phụ nữ Q.5 với các thiếu nữ trang phục màu trắng tinh tuyền, tay cầm chiếc đèn lồng mang theo thông điệp kết hợp hài hòa hai nền văn hóa Việt - Hoa...
Mỗi tà áo hầu như đều được tận dụng để chuyển tải một thông điệp nào đó. Nhà thiết kế Tuấn Hải với mô típ “tứ bình, tứ linh” (mai, lan, cúc, trúc - long, lân, quy, phụng); Nhà thiết kế Sĩ Hoàng với áo dài cách điệu mang những họa tiết trừu tượng sặc sỡ hay những bức tranh Đông Hồ quen thuộc...
Các thắng cảnh của đất nước, của TP.HCM (như vịnh Hạ Long, ngọ môn Huế, chợ Bến Thành, Bưu điện TP và cả tòa nhà Bitexco hiện đại…) cũng hiện diện trên tà áo dài của các đội nhóm. Không chỉ vẽ lên tà áo, nhiều thí sinh còn tận dụng nối tay áo thành dải “băng-rôn” gửi thông điệp về Trường Sa - Hoàng Sa hay một câu slogan nào đấy.
Ngày Áo dài VN ?
Trong Triển lãm và tọa đàm về áo dài, nhà thiết kế Sĩ Hoàng thổ lộ: “Hiện nay đã hình thành một quan niệm áo dài là dành cho nữ giới mà quên rằng trước đây áo dài, khăn đóng là quốc phục của đàn ông VN. Tôi đang cố gắng hướng đến áo dài dành cho nam giới trong dự án về quốc phục, lễ phục. Một khi áo dài đã trở thành quốc phục rồi thì hướng đến áo dài hội nhập. Chiếc áo dài không còn đóng khung trong cộng đồng người Việt nữa mà là thời trang yêu thích của người nước ngoài… Tôi đề xuất có một ngày mọi người Việt đều mặc áo dài trên toàn quốc. Ngày Áo dài VN không chỉ quảng bá cho ngành du lịch mà còn tác động rất lớn đến toàn xã hội và cả quốc tế”.
Còn ông Nguyễn Chánh Lộc, Tổng giám đốc Công ty du lịch Phú Thọ, mong muốn qua hai lần tổ chức Lễ hội Áo dài tại Đầm Sen, chiếc áo dài được sử dụng nhiều hơn trong đời sống hằng ngày. “Áo dài không chỉ đẹp với các thiếu nữ mà các mẹ, các dì, các em thiếu nhi mặc đều đẹp”, ông Lộc nhận xét.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng chiếc áo dài làm tôn lên cốt cách của con người VN. “Tôi rất muốn thấy các em nữ sinh mặc đến trường, các sinh viên mặc lên giảng đường nhưng thời gian qua có nhiều biểu hiện bạo lực học đường, các nữ sinh xé áo dài của nhau, điều đó khiến chúng ta phải trăn trở. Chúng ta nên thường xuyên sử dụng áo dài trong những dịp lễ hội, lễ tết... Tôi cũng sẽ đề xuất một ngày toàn thành phố mặc áo dài”, bà Tuyết nói.
Kết quả cuộc thi Duyên Dáng Áo Dài
Bảng A (Tập thể): Giải nhất: Trường tiểu học Chi Lăng (Q.Tân Bình); Giải nhì: Hội Phụ nữ Công an TP.HCM; Giải ba: Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.5.
Bảng B (Cá nhân): Giải nhất: Trần Thị Huyền Anh (Hội Phụ nữ Công an TP.HCM); Giải nhì: Huỳnh Hồng Loan (Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM): Giải ba: Lê Anh Phương (Hội Liên hiệp Phụ nữ Q. 5);
Các giải phụ: Thí sinh duyên dáng nhất: Trần Mộng Thi (Hội Liên hiệp Phụ nữ Q. 3); Ứng xử hay nhất: Trần Thị Huyền Anh (Công an TP.HCM); Áo dài đẹp nhất: Nguyễn Thị Ngọc Thảo (Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.Bình Tân).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.