Diện mạo thành phố trẻ
TP.Cà Mau được thành lập ngày 14.4.1999, trên cơ sở diện tích và dân số TX.Cà Mau, với diện tích tự nhiên hơn 24.922 ha, gồm 17 đơn vị hành chính, trong đó có 7 xã, 10 phường, 125 ấp, khóm.
Với vai trò là trung tâm tỉnh lỵ, đô thị động lực của tỉnh và là hạt nhân của vùng Tây Nam bộ, thành phố đã phát huy các lợi thế về vị trí, tiềm năng, cùng với sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của T.Ư; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng theo tốc độ đô thị hóa. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư đồng bộ, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như của tỉnh...
Đến nay, sau hơn 10 năm được công nhận là đô thị loại 2, thành phố trẻ cực Nam Tổ quốc đã khoác lên mình chiếc áo mới: xanh hơn, sạch hơn và thân thiện hơn. TP.Cà Mau phát triển đồng đều từ khu vực thành thị đến nông thôn, vượt xa các tiêu chuẩn của đô thị loại 2, tiệm cận các tiêu chuẩn đô thị loại 1 theo các nội dung của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nổi bật là dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP.Cà Mau với tổng mức đầu tư 1.204 tỉ đồng, đã đầu tư, nâng cấp, mở rộng 205 tuyến đường/hẻm với chiều dài gần 52.000 m; xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa các điểm trường học, trụ sở sinh hoạt cộng đồng, công viên cây xanh, chợ...
Theo người dân địa phương, trước khi thực hiện dự án, các con hẻm hẹp, thường bị ngập và ô nhiễm, thoát nước kém và gây khó khăn cho việc đi lại. Sau khi thực hiện dự án đã làm thay đổi rõ nét.
Bà Nguyễn Thu Ba, người dân ở P.8, TP.Cà Mau, chia sẻ: “Các hẻm được nâng cấp, mở rộng đã tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động kinh doanh buôn bán và đã làm tăng giá trị nhà đất trong khu vực đầu tư. Bên cạnh đó, việc đầu tư cải thiện hệ thống chiếu sáng công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đem lại cảm giác an toàn và giảm tệ nạn xã hội”.
Còn ông Nguyễn Văn Sa, ngụ P.7, thì cho rằng: “Việc di dời các khu nhà ở ven sông P.7, P.8 đã tạo điều kiện cho người dân có nơi ở ổn định, giảm thiểu tệ nạn xã hội, cải thiện môi trường”.
Song song với đầu tư, phát triển khu vực nội ô thành phố, các trục lộ giao thông huyết mạch của xã, phường cũng được đầu tư, kết nối vào tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các trục đường liên huyện, đã tạo điều kiện thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội các phường ngoại ô, các xã vùng ven của TP.Cà Mau. Đến nay thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
|
Hướng tới đô thị loại 1
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong xây dựng thành phố được thể hiện rất rõ qua Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2015 - 2020) về tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động và tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trở thành đô thị loại 1.
Bên cạnh đó, thành phố chú trọng điều chỉnh quy hoạch chung phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đã lập xong Chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2025, được tỉnh phê duyệt. Và để việc quy hoạch không bị phá vỡ, thời gian qua, thành phố đã tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về xây dựng, đất đai...
Với tinh thần chủ động tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ T.Ư, tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư xã hội, sự đồng hành của các doanh nghiệp, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều công trình trọng điểm quan trọng. Chỉ tính riêng tổng vốn đầu tư xây dựng phát triển thành phố trong 20 năm (1999 - 2019) đạt 61.552 tỉ đồng. Trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước là 9.355 tỉ đồng, tăng bình quân hơn 20%/ năm (năm 2018 so năm 1999 tăng 38,56 lần).
Song song đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã xây dựng, nâng cấp cơ bản vỉa hè các tuyến đường trong nội ô thành phố; cầu, đường giao thông nông thôn cơ bản được đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố thực hiện 97 công trình với tổng mức đầu tư hơn 816 tỉ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến với tổng vốn đầu tư là 1.110 tỉ đồng từ nguồn tự cân đối của địa phương, TP.Cà Mau tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố, trong đó ưu tiên các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Ông Lê Tuấn Hải, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Cà Mau, thông tin: “Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung vào 4 hướng đột phá chiến lược để phát triển, gồm: Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, trường học, các khu đô thị mới; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven, trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông; đầu tư phát triển “kinh tế đêm” gắn với sản phẩm du lịch trên sông trong lòng thành phố”.
“Với những phần việc đã và đang thực hiện, thành phố tiếp tục phát huy những thế mạnh đã có, tiếp tục đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng đô thị tiến tới từng bước hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 1”, ông Hải nhận định.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP.Cà Mau đã đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu: Phấn đấu các tiêu chí đô thị loại 1 đạt từ 75 điểm trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội tăng bình quân hằng năm 10,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý 98%; xây dựng 5 phường đạt chuẩn “Phường văn minh đô thị”, 5 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”; tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo (không kể truyền nghề) chiếm 75%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị chiếm 84%; tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố chiếm 95%; tỷ lệ đô thị hóa 66%...
|
Bình luận (0)