“Áo mới” Cà Mau
TP.Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định thành lập vào năm 1999 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của TX.Cà Mau. Từ một thị xã còn nhiều khó khăn, thách thức, đến nay sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, TP.Cà Mau đã đạt nhiều thành tựu to lớn, xứng tầm vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội của tỉnh Cà Mau.
100% các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Tân Thành, TP.Cà Mau đều được bê tông hóa kết nối thuận tiện |
Cách đây 10 năm, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã vùng ven của TP.Cà Mau chỉ đạt bình quân 8 tiêu chí, có xã chỉ đạt 5 tiêu chí. Nhưng với sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền, phong trào xây dựng NTM diễn ra hết sức sôi nổi, rộng khắp các xã trên địa bàn. Đến nay, TP.Cà Mau đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Vùng ven thành phố như được “mặc thêm áo mới”, ngày càng rực rỡ và tươm tất.
Nếu như trước đây, người dân tại các xã vùng ven TP.Cà Mau chỉ sống dựa vào cây lúa, con tôm canh tác theo kiểu truyền thống nên thu nhập còn thấp thì hiện nay, phong trào nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng lan rộng. Sự hình thành ngày càng nhiều hơn các tổ hợp tác, hợp tác xã đã dần thay đổi các mô hình sản xuất. Quy mô sản xuất ngày càng lớn hơn, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao; qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn ở TP.Cà Mau năm 2021 lên 57,47 triệu đồng/người/năm, tăng 44,8 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm chỉ còn 0,69%. Nhiều ấp tại các xã NTM của thành phố đã xóa trắng hộ nghèo.
Thành quả trên có được là nhờ phương pháp giảm nghèo hiệu quả tại các địa phương trên địa bàn thành phố thời gian qua, trong đó có mô hình phân công cán bộ, đảng viên ở xã phối hợp với các trưởng ấp tuyên truyền, vận động, nắm bắt nhu cầu, mong muốn của hộ nghèo để đưa ra giải pháp hỗ trợ, nhằm giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Để cảnh quan luôn xanh sạch đẹp thanh niên 7 xã NTM của TP.Cà Mau thường xuyên ra quân phối hợp cùng nhân dân làm cỏ ven đường |
Bích Lệ |
Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, UBND TP.Cà Mau đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 8.8.2016 của Thành ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đến nay, thành phố có 209 ha nuôi tôm siêu thâm canh, năng suất đạt 21 tấn/ha/năm; 21 ha dưa hấu đạt chuẩn VietGAP, năng suất 40 tấn/ha/vụ; 80 ha lúa-tôm đạt chuẩn VietGAP, năng suất 6,2 tấn/ha/vụ…
Ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP.Cà Mau phấn khởi cho biết thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh- trật tự. Các xã đã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, khi thực hiện các tiêu chí phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.
Phấn đấu trở thành đô thị loại I
Bước ngoặt cho những đổi thay trên có thể kể đến chính là những quyết sách mang tính định hướng lâu dài đã được đề ra. Trong đó có Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ TP.Cà Mau nhiệm kỳ 2015-2020 về tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động và tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trở thành đô thị loại I. Vì thế, những vướng mắc cố hữu đã được chỉ ra, cùng với những giải pháp khắc phục.
TP.Cà Mau nằm trong vùng có địa hình khá thấp, sông ngòi bao quanh, nên các tuyến sông đều nằm trong nội ô và cần phải kè bờ sông… Vì vậy, thành phố chú trọng quy hoạch chi tiết theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với cải thiện vệ sinh môi trường. Không gian đô thị không gói gọn mà được quy hoạch mở rộng, phát triển toàn diện về các hướng.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM được người dân TP.Cà Mau hưởng ứng |
Ðến nay, đã có 51 đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, thông qua; trong đó có 45 đồ án quy hoạch chi tiết, 6 đồ án quy hoạch phân khu. Các phường nội ô đã quy hoạch phân khu bao phủ 52,2%, quy hoạch chi tiết bao phủ 24,04% diện tích và hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM ở cả 7 xã vùng ven của thành phố.
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Cà Mau, cho biết để việc quy hoạch không bị phá vỡ, thời gian qua, các cơ quan chuyên trách của thành phố đã tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chấn chỉnh hoạt động xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt, nhất là các tuyến hẻm tự mở, các khu tái định cư, nhà ở xã hội và các khu vực ven sông…
Một trong những công trình làm thay đổi diện mạo TP.Cà Mau trong thời gian qua là Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL (LIA) - Tiểu dự án TP.Cà Mau, với 18 khu LIA trên địa bàn các phường và xã Tắc Vân, 6 tuyến đường và 1 bờ kè, 1 khu tái định cư tập trung…đã được bàn giao, đưa vào sử dụng. Gần 200.000 người dân đô thị được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp, góp phần quan trọng phát triển dân sinh, cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, đóng góp rất lớn để TP.Cà Mau hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II như hôm nay.
Theo ông Lê Tuấn Hải, đến nay, công tác cải cách hành chính các cấp trên địa bàn TP.Cà Mau đã có sự chuyển biến tích cực; trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong công tác cải cách hành chính chuyển biến rõ rệt. Ðó cũng là nguyên nhân giúp công tác cải cách hành chính của thành phố đạt hơn 90% kế hoạch đề ra, tỷ lệ hài lòng của các tổ chức, cá nhân về thực hiện thủ tục hành chính chiếm hơn 97%... Những kết quả nổi bật đó góp phần thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến TP.Cà Mau thực hiện các dự án lớn, nhất là các dự án về thương mại, dịch vụ. “Trong nhiệm kỳ 2020- 2025, một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mà Ðảng bộ TP.Cà Mau sẽ quyết tâm thực hiện là tập trung huy động, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Tuấn Hải, bốn đột phá chiến lược thành phố sẽ được tập trung triển khai, gồm: Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, trường học, các khu đô thị mới; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven thành phố, trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông, đầu tư phát triển “kinh tế đêm” và sản phẩm du lịch trên sông trong lòng thành phố.
Bình luận (0)