Đó là bài Lai rai thơ với Thanh Thảo.
Nhưng vì sao lại nói hình như? Không phải là bởi nhớ “mài mại” như người miền Trung quê tôi từng nói. Nếu nghĩ đơn thuần như vậy thì chẳng phải là một cái nhớ sâu sắc. Mà ấy là vì tôi cũng đang nói theo cách… của thơ, một chút!
Trong đêm nhạc của nhạc sĩ Văn Phượng (27.12), là một người bạn, tổ chức tại TP.Quảng Ngãi, tôi bất ngờ nhận được tập thơ mới nhất của ông, có tựa đề Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ. Rất dày dặn, rất nội lực. Cái nội lực của một người đã ngoài 70 tuổi nhưng viết vẫn rất sung mãn. Nhận được thơ tặng từ một nhà thơ ở Quảng Ngãi, nổi tiếng không chỉ trong nước, tại TP.Quảng Ngãi quê hương ông, trong đêm nhạc của một người Quảng Ngãi, và khi ông chỉ cho tôi hình bìa tập thơ, nói rằng ông lấy bức vẽ có tên là “Biển” của cháu nội ông, bé Hồ Nhật Tường mới 5 tuổi để làm bìa thì tôi lại thêm một bất ngờ, nhìn kỹ và thấy mênh mông biển, biển tràn xô như một niềm yêu thương vô bờ. Đó là biển quê ông, biển Đông của đất nước Việt Nam, hiện diện qua 3 thế hệ, cùng đứng chung trong một mái nhà thơ.
Ấy phải chăng là thông điệp của ông về tập thơ? Vậy liệu ông còn có tuyên ngôn? Tập thơ của một người bảy mươi ba tuổi có gì. Tôi tò mò lần giở, khi ngồi bên cạnh nhà thơ Trần Cao Duyên, cũng người Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, trong ánh đèn quét qua chợt sáng chợt tối của đêm diễn, bỗng cả hai anh em đều ồ lên một tiếng, bởi nhìn thấy 2 câu ở trang 134: “Thơ anh/không phục vụ ai cả”. Tôi và anh Duyên vẫn lần theo con chữ, đọc được thêm đoạn này: “Nhưng thơ không là hang hốc ẩn náu/hay cỏ khô lót ổ/cho anh trốn rét qua mùa đông/không phải con dế rả rích nơi bờ giậu/cầu xin lòng trắc ẩn/không phải những giọt nước thánh/nhân danh sự vĩnh hằng/anh sẵn sàng quay lưng lại mùa xuân/nếu ngửi thấy mùi thối rữa/anh im lặng khi mọi thứ gầm gào/và cất tiếng lúc tất cả im bặt” (Nghe nhìn). Bài thơ có câu đề: Tặng Nguyễn Thụy Kha!
|
Nói không quá chút nào, không lên gân, không khô cứng, nên tôi cho rằng đó không chỉ là tuyên ngôn, mà với ông, những gì của đời sống bộn bề hôm nay, như chỉ thoát ra một cách tự nhiên vậy thôi. Cái tự nhiên của một người đã “ngộ” ra rất nhiều điều, từng lăn lộn “lang thang qua chiến tranh”, rồi đau đáu với “cơ nhỡ trong hòa bình”, là tựa đề trong 2 tập tùy bút ông cho xuất bản gần đây.
Rồi, như những gì của hơi thở đời sống, qua bao nhiêu năm, ông hội tụ vào tập thơ với 212 bài, 300 trang, đầy đặn một cách bất ngờ. Bất ngờ như ngay cả tựa đề tập thơ, tôi soi tìm chẳng có bài nào trong đó rút ra làm tựa, như nhiều người khác thường làm. Mà chỉ có một bài Chờ, ở trang 234: “Vớt những giấc mơ/bằng chiếc vợt bắt muỗi/đêm/gương mặt bạn một chấm sáng/sau cửa sổ/cầm tay cái lạnh cuối mùa/chúng ta ngồi/im nhánh phong lan/chờ/ những đóa hoa trong bóng tối”.
Sự thao thức ấy trong từng đêm, nhà thơ Thanh Thảo gửi cả vào thơ. Đó là khi viết Những người chết không trẻ mãi, cách đây hơn 20 năm, với khổ kết: “Hai mươi năm ba mươi năm bốn mươi năm/tuổi chết dần hơn tuổi sống/nhưng người chết già đi chầm chậm/đôi lúc họ quay nhìn trần gian qua một lớp kính mờ”. Hoặc với bài Đọc những nhà thơ da đen nổi tiếng của ông viết vào năm đầu tiên của thập niên 80 của thế kỷ trước, có đoạn tôi rất thích: “Giá câu thơ là mẩu bánh mì/nhiều khi ta thèm chết được/cơn cồn cào bụng các anh, tôi biết/tôi biết/trên đường phố dòng người chảy tan vào nắng/có kẻ đói hoa mắt thấy hàng triệu mặt trời/mẩu bánh mì rơi xuống đất/câu thơ rơi không ai nhặt/rơi lặng im không chạm một ai…”.
Còn nhiều nữa những giao thoa với các nhà thơ châu Mỹ, châu Âu và đặc biệt là với nước Nga của những ngày cũ, mối duyên bất chợt nào đó hiển lộ liên tục trong cái trường liên tưởng kỳ lạ nhưng vô cùng nhạy cảm, Thanh Thảo đặt hết vào thơ với một giọng rất sáng tạo và rất góc cạnh. Giả dụ như với bài thơ một thời nổi đình nổi đám Tôi chào đất nước tôi (1986), ông viết đoạn kết bằng một sự lạc quan: “Có khi nằm ngửa mặt ngắm mây bay/nghìn năm mây bay bình thản/tôi chào đất nước tôi. Im lặng/nghe cỏ mềm mọc xuyên qua lưng/như ai đấy mình bật dậy/ngỡ ngàng trông chỉ thấy xanh xanh/tôi chào đất nước tôi. Có lẽ/cỏ non vừa thúc lưng mình”. Sau 22 năm, vào 2008, ông viết bài Lại chào đất nước tôi, với mấy câu kết rằng: “Như em gái trăm mẹ mìn đày đọa/biết tìm đâu ra mẹ đẻ của mình/cứ vơ vất giữa hai bờ địa ngục/khi nhìn ra tấm bảng chỉ “thiên đường”/không kêu không khóc chỉ âm thầm/không kêu không khóc chỉ âm thầm”.
|
Ông đã cố tình xếp 2 bài thơ trên theo chiều dọc mặt trang giấy, nằm cạnh nhau, rồi chú một đoạn đề dẫn: “Giữa hai bài thơ là 22 năm, một khoảng thời gian không mấy ngắn ngủi. Lời chào đất nước vẫn đắm đuối vậy, nhưng cung bậc của niềm lạc quan thì đã khác. Sau 22 năm, đời sống vật chất có khá hơn nhiều, nhưng nỗi buồn lại nặng trĩu thêm. Xin chú ý tới hai cái cái kết ở hai bài thơ, “cỏ non” ở bài thơ thứ nhất đã “âm thầm” tàn lụi trong bài thơ thứ hai”. Không biết từ bấy (2008) đến nay, sau 11 năm qua, cảm nhận của ông thế nào? Tôi định bụng, có lẽ dịp khác gặp sẽ hỏi thêm đôi điều về chuyện này, với ông…
Rời những tâm tư ấy, lại bắt gặp một đằm thắm rất Thanh Thảo khi viết về biển của nước Nga: “Như hòn đá ném thẳng xuống biển khơi/thơ anh gợi những vòng tròn thăm thẳm/Esenin một nửa mùa thu nước Nga chìm đắm/theo con tàu người thủy thủ lang thang” (Gửi Sergey Esenin). Nhưng rồi, tôi chợt nhớ và bỗng thấy ông gặp gỡ Pablo Neruda một cách kỳ diệu trong đoạn thơ này của nhà thơ Chi Lê nổi tiếng, mà tôi đã kịp đọc đâu đó: “Anh thích tình yêu của những người đi biển/Gặp gỡ rồi chia xa/Họ hứa hẹn sẽ quay về/Nhưng họ không về, em có thấy/Và bến tàu-như cô gái/Vẫn mong rằng họ sẽ về mau/Nhưng ngoài biển khơi, nơi con sóng bạc đầu/Họ lấy cho mình cái chết” (Farewell, bản dịch của Nguyễn Viết Thắng).
Và rồi, biển của Việt Nam ở đây, niềm vọng trông đau đáu về một miền yêu dấu, ông viết: “Đuổi theo tôi những giấc mơ buồn/hiện lên gương mặt mẹ già khuất bóng/đêm lo âu ầm ì biển động/thương yêu ơi tan biến về đâu/vòng xích thời gian nghiệt ngã/làm sao quay ngược. Làm sao?” (Dao động sóng, 1988).
Hình dung như biển đã cuộn vào ông những con sóng, cả ngày đêm chưa khuất dạng bao giờ, nên chi Thanh Thảo cứ hoài niệm về quá khứ với những câu hỏi không dễ trả lời, nhưng thơ ông vẫn chẳng bao giờ đánh rơi thực tại!
Sài Gòn những ngày cuối tháng 12.2019
(*) Đọc Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ của nhà thơ Thanh Thảo, Nhà xuất bản Hội nhà văn, tháng 11.2019.
Bình luận (0)