Ngay sau đợt thanh tra vào giữa tuần trước tại Hà nội, lực lượng thanh tra liên ngành đã tiếp tục tiến hành các đợt khuyến cáo, thanh tra về chống vi phạm bản quyền phần mềm tại TP.HCM.
Trong hai cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện vào ngày 23 và 24.2, tại hai doanh nghiệp lớn là Công ty Cổ phần Dịch vụ phần mềm trò chơi Vina (VINAGAME) và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng tổng hợp ( NAGECCO) lực lượng thanh tra liên ngành đã phát hiện số lượng lớn các phần mềm không có bản quyền lên tới 5 tỷ VNĐ.
Đợt ra quân đầu tiên của lực lượng thanh tra liên ngành tại hai thành phố lớn nhất cả nước là những động thái mạnh mẽ nhằm thực thi Chỉ thị 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành. Với những tinh thần chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Chỉ thị 36 đã mở ra tín hiệu mới trong nỗ lực cải thiện thực trạng vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan của Việt nam trong năm 2009.
Trong cuộc thanh tra đột xuất vào ngày 23.2 tại Công ty VINAGAME có trụ sở tại ba địa điểm: 268 Tô Hiến Thành, P10, Q.10, TP.HCM ; 557-559 Sư Vạn Hạnh, P13, Q.10. TP.HCM và 722 Sư Vạn Hạnh, P12, Q.10, TP.HCM, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 156 máy tính ( trong tổng số 350 máy đang sử dụng) và phát hiện có sao chép cài đặt, sử dụng một số chương trình phần mềm không được sự đồng ý của chủ sở hữu.
Trước những chứng cứ trên, đại diện công ty VINAGAME, Phó TGĐ bà Lê Thị Hồng Diệp đã ký vào biên bản thanh tra thừa nhận hành vi sao chép, cài đặt, sử dụng một số chương trình phần mềm trên mà chưa được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Tiếp tục vào ngày 24.3 cũng trên địa bàn TP.HCM, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra đột xuất tại công ty NAGECCO có trụ sở tại 29 Bis Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Q1, là công ty chuyên về thiết kế xây dựng. Tại đây, lực lượng thanh tra liên ngành đã kiểm tra 126 máy tính và phát hiện số lượng lớn các phần mềm bất hợp pháp được cài đặt trong các máy tính để sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Các phần mềm vi phạm được phát hiện tại hai công ty trên ngoài các phần mềm chuyên dụng của Autodesk như AutoCAD, Autodesk 3ds Max, Revit Architecture thì hầu hết đều là các phần mềm phổ biến sử dụng cho các hoạt động kinh doanh như Window XP Profesional SP2 OEM CD, Window Serve CAL 2003 English MVL Device CAL, Microsoft Office , Office XP, từ điển Lạc Việt, Photoshop và nhiều phần mềm khác. Theo thông tin từ phía đoàn thanh tra thì tổng số tiền vi phạm trong đợt thanh tra này tại hai công ty lên tới 5 tỷ đồng.
Đoàn thanh tra liên ngành đã yêu cầu cả hai công ty VINAGAME và NAGECCO chấm dứt hành vi vi phạm và cam kết liên hệ với chủ sở hữu để giải quyết hợp thức hóa các chương trình phần mềm máy tính không có bản quyền mà Công ty đã sao chép, cài đặt và sử dụng.
Trong những năm qua, xâm hại quyền tác giả và các quyền liên quan là vấn đề nóng của Việt Nam, trong đó phần mềm là một trong những vực bị xâm phạm nhiều nhất. Điều này đã hạn chế rất lớn sự phát triển của nền CNTT của Việt Nam cũng như làm giảm đi các cơ hội đầu tư nước ngoài.
Theo tính toán của Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA nếu tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam giảm 10% thì sẽ có từ 3000 – 5000 công việc được tạo ra và Chính phủ sẽ thu được từ 30 đến 50 triệu USD.
Công nghệ thông tin có tác động to lớn đến các ngành kinh tế và giữ vai trò chủ đạo chuyển biến nền kinh tế hiện nay sang nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức. Việc tuân thủ, thực thi các quy định, công ước quốc tế về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ là đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế.
Phạm Thanh Hoa
Bình luận (0)