Thanh tra Chính phủ giải đáp về ranh dự án Thủ Thiêm

18/06/2022 08:08 GMT+7

Chiều 17.6, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành T.Ư tiếp tục có buổi đối thoại, gặp gỡ với 20 người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) còn khiếu nại về nhà, đất nằm ngoài ranh quy hoạch dự án này.

Chủ trì buổi đối thoại là Phó tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Sỹ Bảy cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Tiếp công dân T.Ư, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT. Về phía TP.HCM có Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cùng lãnh đạo Sở TN-MT, Sở Tư pháp, Thanh tra TP.HCM, TP.Thủ Đức và UBND các phường liên quan.

Buổi đối thoại của Thanh tra Chính phủ với người dân Thủ Thiêm vào chiều 17.6

Sỹ Đông

Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Tại buổi đối thoại, ông Đinh Đăng Lập, Phó vụ trưởng Vụ I (TTCP) đọc lại thông báo Kết luận số 1169 ngày 21.7.2021 của TTCP, trong đó xác định 5 khu phố thuộc 3 phường: Bình An, Bình Khánh và An Khánh (Q.2, nay là TP.Thủ Đức) nằm trong ranh quy hoạch dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Trước đó, trong thông báo Kết quả kiểm tra số 1483 năm 2018 của TTCP cũng xác định chỉ có khu 4,3 ha của KP.1 (P.Bình An) là nằm ngoài ranh dự án, còn 5 khu phố thuộc 3 phường trên nằm trong ranh dự án. Sau Thông báo 1483 năm 2018, người dân cung cấp nhiều hồ sơ, tài liệu và kiến nghị TTCP cùng các cơ quan T.Ư xem xét nhưng kết quả không thay đổi. Tuy nhiên, qua rà soát, thẩm tra của nhiều cơ quan ở TP.HCM và T.Ư, đã tiếp tục xác định 5 khu phố thuộc 3 phường trên nằm trong ranh dự án KĐTM Thủ Thiêm.

Sau khi nghe thông báo, nhiều người dân không đồng tình với 2 văn bản số 1483 năm 2018 và 1169 năm 2021 của TTCP, vì cho rằng việc sử dụng bản đồ đi mượn của nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh là không hợp lệ, không hợp pháp và không có giá trị pháp lý. Người dân cũng đưa ra nhiều lý lẽ để phản biện, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng giải đáp.

Sau khi có ý kiến của một số người dân, đại diện Bộ Xây dựng cho biết sau khi tiếp nhận các tài liệu của UBND TP.HCM, tổ công tác của TTCP và các hộ dân cung cấp, Bộ Xây dựng đã xem xét rất kỹ, đánh giá, đối chiếu với quy định pháp luật từng thời kỳ. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến phản biện và một số tài liệu mà người dân cung cấp thêm để báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng và trả lời thấu đáo. Đại diện Bộ TN-MT cũng khẳng định dựa trên hồ sơ thu thập được, thì chỉ có khu 4,3 ha thuộc KP.1 (P.Bình An) nằm ngoài ranh dự án Thủ Thiêm.

Trong khi đó, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, qua một số ý kiến chưa đồng tình cao từ phía các hộ dân, các cơ quan chức năng cần phải trả lời chính xác, khách quan, minh bạch; đồng thời mong bà con tin tưởng vào các cơ quan chức năng của TP.HCM và T.Ư. Đối với những vấn đề đã đúng, đã đồng tình thì cần xem xét, giải quyết sớm.

Phải đảm bảo lợi ích hài hòa

Lần đầu tiên tham gia buổi đối thoại với người dân Thủ Thiêm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cho biết trước đó ông vừa tiếp 30 bà con đại diện cho 115 hộ dân Thủ Thiêm có khiếu nại. Sau khi nghe ý kiến các cơ quan, ông Nhưỡng bày tỏ sự chia sẻ với người dân, kể cả những người đã khuất, đồng thời nhấn mạnh “đây là tâm tư của nhiều đại biểu Quốc hội chứ không phải chỉ riêng Ban Dân nguyện”.

Đề cập đến những bức xúc và khiếu nại về dự án đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, ông Nhưỡng cho rằng nếu nhiệm kỳ trước giải quyết xong thì các lãnh đạo nhiệm kỳ này không phải vất vả. Điều đáng mừng là sau những ngày tháng khiếu nại, bà con vẫn còn nguyên niềm tin và mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết khách quan nhất, trung thực nhất.

Ông Nhưỡng cũng chia sẻ bản thân ông rất tâm đắc với ý kiến của người dân về đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp; sẵn sàng ủng hộ chính sách phát triển KĐTM Thủ Thiêm nếu đảm bảo lợi ích hài hòa. Đó là đòi hỏi rất chính đáng, xác đáng, sâu sắc. Hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục thảo luận, thống nhất như tính pháp lý, tính khách quan, tính tuân thủ và sự cầu thị…, và mong muốn giải quyết đảm bảo sự công bằng, đúng quy định pháp luật.

“Bà con không thể đợi thêm 20 năm nữa, nhưng vụ việc cũng không thể giải quyết trong một giờ, một ngày được”, ông Nhưỡng nói và cho biết đã ghi nhận đầy đủ ý kiến của người dân và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở buổi làm việc và các tài liệu liên quan, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát vụ việc này đến khi giải quyết triệt để.

Thay mặt UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Ngô Minh Châu cũng khẳng định TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, họp bàn để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân (Thủ Thiêm) nhiều nhất, tốt nhất trong khuôn khổ luật pháp. Lãnh đạo TP.HCM cũng nghiên cứu chính sách pháp luật, lắng nghe nguyện vọng của người dân; và thấy rằng còn 3 nhóm vấn đề: quyền lợi từng thời điểm, chế độ hỗ trợ, và những bất cập của văn bản pháp luật. Tuy nhiên, TP.HCM xác định trong trường hợp quy định pháp luật “đá nhau” thì sẽ áp dụng văn bản có lợi nhất cho người dân. Mới đây, TP.HCM cũng xin thêm ý kiến các bộ, ngành và sẽ sớm có quyết định chính thức, áp dụng rộng rãi.

Do buổi đối thoại vẫn chưa tìm được “mẫu số chung” nên người dân đề nghị TTCP tiếp tục giải quyết vụ việc, không được để các cơ quan khác căn cứ vào Thông báo 1169 năm 2021 của TTCP để giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền lợi người dân (còn khiếu nại liên quan dự án Thủ Thiêm). Phó tổng TTCP Lê Sỹ Bảy cho biết thêm, do vẫn còn ý kiến khác nhau về xác định ranh KĐTM Thủ Thiêm (liên quan 5 khu phố thuộc 3 phường nói trên) nên chắc chắn sẽ có cơ quan chức năng thẩm định và tiếp tục trả lời. Về ý kiến chính sách đền bù chưa thỏa đáng, ông Bảy đề nghị UBND TP.HCM tập trung lo chỗ ăn, chỗ ở ổn định cho người dân để giảm khiếu nại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.