Thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam mang tính lịch sử

25/05/2006 00:15 GMT+7

* Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Việt Nam ủng hộ cải tổ Liên Hiệp Quốc "Liên Hiệp Quốc (LHQ) và cá nhân tôi luôn giữ lời hứa của mình. Hôm nay, tôi đã thực hiện lời hứa với ngài Chủ tịch là đến thăm Việt Nam và rất vui mừng gặp lại ngài Chủ tịch" - Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã nói với Chủ tịch nước Trần Đức Lương như vậy tại lễ đón chính thức người đứng đầu tổ chức lớn nhất thế giới vào sáng qua 24/5 tại Hà Nội.

Sau khi Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và phu nhân cùng các vị trong đoàn đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ đón đã được tiến hành trọng thể tại Phủ Chủ tịch với sự có mặt của Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân cùng nhiều quan chức Chính phủ Việt Nam. Ngài Tổng thư ký thân thiện bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam khi ông hóm hỉnh giới thiệu quyền Điều phối viên LHQ tại Việt Nam, ông Jesper Morch, với Chủ tịch nước Trần Đức Lương rằng: "Đây là một trong những điều phối viên tốt nhất của tôi và LHQ, và tôi lấy làm hân hạnh khi cử ông ta đến với các ngài".

Phát biểu tại lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhiệt liệt chào mừng ngài Tổng thư ký Kofi Annan, phu nhân và các vị trong đoàn đến thăm chính thức nước ta. Việt Nam coi chuyến thăm lần này là sự quan tâm đặc biệt của ngài Tổng thư ký với đất nước và nhân dân Việt Nam. "Chúng tôi đánh giá cao vai trò của LHQ cũng như quan hệ hết sức tốt đẹp giữa VN với LHQ nói chung và các cơ quan của LHQ nói riêng trong thời gian vừa qua", Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói.

Tổng thư ký Kofi Annan bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn. Tổng thư ký đánh giá cao mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và LHQ được xây dựng trong 30 năm vừa qua và hài lòng nhận thấy mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa hai bên không ngừng phát triển. "Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã phát huy được vai trò lãnh đạo của mình trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ và Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn, đi trước các nước khác rất nhiều trong việc thực hiện những mục tiêu này. Cá nhân tôi và các đồng nghiệp làm việc tại các cơ quan LHQ hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015, thậm chí một số mục tiêu sẽ đạt trước năm 2015, ví dụ như việc phổ cập giáo dục tiểu học cho toàn dân", ông Kofi Annan nói.

Sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã hội kiến với Tổng thư ký LHQ. Hai bên đã trao đổi sâu rộng những vấn đề chung của LHQ và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ cũng như các cơ quan của LHQ. Tổng thư ký Kofi Annan bày tỏ lời chia buồn tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những thiệt hại về người và của do cơn bão số 1. Ông Kofi Annan hy vọng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và LHQ trên 3 trụ cột chính là hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người.

Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng đã đến chào xã giao Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Phan Văn Khải và có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

Hôm qua là một ngày bận rộn của cả hai vợ chồng ngài Kofi Annan. Buổi sáng, trong lúc phu quân hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam, thì bà Nane Annan đã tranh thủ cùng với các nhân viên LHQ tại Việt Nam đi thăm Trung tâm y tế quận Đống Đa (Hà Nội) và các cơ sở nhân đạo khác. Bà luôn luôn yêu cầu các nhân viên LHQ tại Việt Nam cập nhật cho bà tin tức về cơn bão Chanchu và những thiệt hại của nó gây ra cho các nạn nhân tại các tỉnh miền trung VN.

Trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã có cuộc họp báo ngắn với các phóng viên trong nước và quốc tế. Mở đầu cuộc gặp, ông Kofi Annan dành những lời lẽ tốt đẹp để đánh giá quan hệ hợp tác giữa LHQ và Việt Nam:

- Việt Nam và LHQ đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác rất đặc biệt trong 30 năm qua. Việt Nam luôn thể hiện tính tự chủ trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến sự hợp tác của mình. Điều quan trọng là Việt Nam luôn thúc đẩy sự phát triển để phục vụ cho tất cả mọi người chứ không chỉ vì lợi ích của một nhóm người nào đó. Quá trình thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Việt Nam đặc biệt ấn tượng. Nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo mang tính lịch sử. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với nhiều nước khác chưa cao, nhưng chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã đạt mức tương đương hoặc bằng các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam rất nhiều. Tôi cũng ấn tượng với Việt Nam trong việc ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1. Hy vọng Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và thông tin với các nước khác, để dịch không tái diễn và bùng phát nhiều nơi. Trong giai đoạn 2006 - 2010, viện trợ phát triển của LHQ dành cho Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng phát triển, tạo dịch vụ tốt hơn cho người dân, xây dựng các thể chế dân chủ như Quốc hội hay Hội đồng nhân dân.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng Việt Nam trúng cử vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009?

- Hiện nay, Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của châu Á. Việt Nam cần sự ủng hộ của tất cả các nước ở khu vực này, nếu có được sự ủng hộ đó thì gần như chắc chắn Việt Nam sẽ được bầu. Khi đó, Việt Nam sẽ có trách nhiệm to lớn trong việc hợp tác với 14 thành viên không thường trực khác nhằm gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển chung.

* Cơn bão số 1 vừa gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho Việt Nam. Trong hội đàm, LHQ và Việt Nam có đề cập đến khả năng hợp tác trong phòng chống thiên tai?

- Tôi đã thảo luận với Chủ tịch nước Trần Đức Lương về vấn đề này. Hai bên nhất trí các nước cần chia sẻ thông tin, công nghệ để giúp cảnh báo sớm thiên tai. Thiên tai luôn khó dự báo và không loại trừ nước nào, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu. Phía LHQ luôn sẵn sàng chia sẻ thông tin và tăng cường khả năng dự báo sớm của Việt Nam. Các cơ quan LHQ sẽ trực tiếp tham gia vào hợp tác này.

* Ông thấy công việc của Tổng thư ký LHQ như thế nào? Vì sao mỗi khi đến các nước, ông thường gặp sinh viên mà lần này lại không?

- Đó là một công việc rất khó, một trách nhiệm lớn. Trong 10 năm làm công việc này, có những thời điểm cực kỳ khó khăn với tôi, nhưng rất may mọi việc vẫn tiến triển. Tôi luôn muốn và thích gặp sinh viên vì đó là những người lãnh đạo tương lai của mỗi nước. Bên cạnh việc chia sẻ thông tin thì tôi còn có thể học hỏi được nhiều từ họ. Nhưng do chương trình của tôi lần này quá dày đặc nên tôi hy vọng lần sau sẽ có cơ hội gặp các sinh viên Việt Nam.

* Sau một ngày ở Việt Nam, điều gì làm ông ấn tượng nhất?

- Đó là sự năng động và sức sống của Việt Nam, mặc dù thực tế tôi cũng chưa được chứng kiến nhiều, chỉ nhìn thấy trên đường. Tôi cũng rất ấn tượng về các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là lãnh đạo nữ. Tôi được biết Việt Nam rất cố gắng tạo ra bình đẳng giới, như đang xây dựng dự luật về bình đẳng giới.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Việt Nam ủng hộ cải tổ LHQ

Chiều 24/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc dân chủ hóa quan hệ quốc tế và cải tổ LHQ nhằm nâng cao vai trò, uy tín, hiệu quả của LHQ trong việc đối phó với những thách thức mới đang đặt ra trước nhân loại, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nước thành viên và toàn thế giới.

Phát biểu tại buổi tiếp Tổng thư ký Kofi Annan, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định Việt Nam luôn chủ trương tham gia tích cực vào các hoạt động của LHQ và hợp tác nhiều mặt với các tổ chức của LHQ. Tổng Bí thư mong muốn LHQ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam, ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Tổng Thư ký Kofi Annan khẳng định LHQ sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam và bày tỏ mong muốn Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động của LHQ, phát huy vai trò đi đầu trong việc thực hiện các sáng kiến của LHQ đối với các nước đang phát triển, tham gia tích cực vào quá trình cải tổ LHQ và nâng cao vị trí, vai trò của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới.

Tổng Thư ký đánh giá Việt Nam là nước đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và mong Việt Nam tích cực chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình với các nước đang phát triển.

Trước đó, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên sáng cùng ngày, Tổng thư ký Kofi Annan cũng cho rằng quá trình cải tổ LHQ sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên, do đó cần nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước và đề nghị Việt Nam tham gia tích cực thúc đẩy quá trình này. Bên cạnh đó, ông Annan khẳng định, LHQ sẵn sàng tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực do hai bên cùng xác định.

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên đánh giá cao những đóng góp của các cơ quan LHQ tại Việt Nam, và đề nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh cải tổ LHQ là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng, được tiến hành trên nhiều lĩnh vực. Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, mong muốn tăng cường vai trò của Đại hội đồng LHQ là cơ quan có sự tham gia của tất cả các nước thành viên, đảm bảo để các nước đang phát triển có tiếng nói trong quá trình cải tổ LHQ nói riêng và các hoạt động của tổ chức này nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cũng đề nghị Ban Thư ký và cá nhân Tổng thư ký Kofi Annan ủng hộ việc Việt Nam ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, đồng thời tạo điều kiện để có thêm những cán bộ Việt Nam vào làm việc tại Ban Thư ký cũng như các cơ quan khác của tổ chức này.

Theo TTXVN

Xuân Danh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.